Phát huy hiệu quả và giải pháp mới

Cập nhật ngày: 09/12/2015 05:16:59

Trong những năm 2002 - 2007, LĐ Đồng Tháp bắt đầu tham gia đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, mỗi năm bình quân đạt 1.200 LĐ. Nhưng trong thời gian đó có hơn 80% LĐ có trình độ văn hóa từ lớp 6 - 9 tham gia XKLĐ, đa số các LĐ chưa có kinh nghiệm làm việc trong các công ty, xí nghiệp, thuộc các hộ có kinh tế khó khăn; LĐ đủ điều kiện XKLĐ Malaysia với thu nhập hàng tháng cao hơn từ 2 - 2,5 lần thu nhập trong nước; việc đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng cũng chỉ khoảng 3 tháng là xuất cảnh ra nước ngoài làm việc. Vì vậy, cơ hội thành công của LĐ ở nước ngoài không cao.

Tái khởi động hoạt động đưa LĐ đi làm việc nước ngoài lần này tỉnh chọn thị trường Nhật Bản là ưu tiên số 1, kế đó là Hàn Quốc và Đài Loan, còn Malaysia chỉ là giải pháp “lấy ngắn nuôi dài”. Về chất lượng người LĐ tham gia cũng nâng lên rõ rệt. Lần này, đi Nhật Bản có 80% LĐ đã tốt nghiệp THPT, 14% tốt nghiệp đại học, trong đó có hơn 60% LĐ xuất cảnh là người đã có kinh nghiệm làm việc trong các công ty, xí nghiệp trong tỉnh, các tỉnh lân cận và TP.Hồ Chí Minh, đã có tác phong công nghiệp và kinh nghiệm làm việc. Những thay đổi này, góp phần thành công trong hoạt động XKLĐ năm 2015 cả về số lượng, chất lượng và cũng từ đó đã làm thay đổi nhận thức trong nhân dân: XKLĐ không còn là “xóa đói giảm nghèo” mà là giải pháp làm ăn hiệu quả nhanh, giúp LĐ vươn lên khá giàu.

Kết quả XKLĐ năm 2015, Đồng Tháp dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long với 590 LĐ đã xuất cảnh. Tuy nhiên, không phải không có những khó khăn, thách thức. Khó khăn thứ nhất vẫn là nhận thức tư tưởng của người LĐ và gia đình do chưa thấy hết hiệu quả XKLĐ đem lại nên e dè chưa quyết chí; chính sách khuyến khích XKLĐ của tỉnh đã có, nhưng đi vào cuộc sống còn nhiều trắc trở, nhiều LĐ và gia đình ngán ngại chưa mạnh dạn tham gia; khó khăn nữa là tham gia XKLĐ thị trường cao thì kinh phí đầu tư ban đầu cũng nhiều, mà đa số LĐ tham gia thuộc các hộ có kinh tế khó khăn, nhiều gia đình không có đủ điều kiện để đầu tư cho con tham gia XKLĐ.

Từ đề xuất các giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong XKLĐ của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, UBND tỉnh đã có chủ trương cho các ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ ngay những khó khăn trong quá trình giải ngân tiền vay chi phí XKLĐ theo hướng giải quyết từ đầu kinh phí chuẩn bị XKLĐ cho các đối tượng kinh tế khó khăn để khuyến khích họ tham gia. Đây là chủ trương mới, có tính đột phá, là cơ hội tốt cho LĐ khó khăn muốn vươn lên làm giàu từ XKLĐ. Riêng khó khăn về ý thức XKLĐ, lãnh đạo các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan sẽ kiên trì tuyên truyền vận động, lấy gương thành công trong XKLĐ của LĐ có thật trong huyện, xã dẫn dắt cho LĐ khác làm theo; lấy gương người thật, việc thật tuyên truyền cho các LĐ khác thông qua các hình thức sinh hoạt của Mặt trận, đoàn thể ở địa phương, giúp cho LĐ an tâm tham gia XKLĐ.

Băng Sơn

Tổng kết công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2015 cho thấy, toàn tỉnh đã đưa được 590 lao động (LĐ) ra nước ngoài làm việc có thời hạn theo hợp đồng, trong đó có 501 LĐ đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Thu nhập mỗi LĐ bình quân từ 25 - 27 triệu đồng/tháng đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, riêng Đài Loan cũng đạt mức 17 triệu đồng/tháng. Đây là thành công bước đầu về số lượng và chất lượng trong XKLĐ.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn