Phát triển du lịch “Làng bè Bình Thạnh”
Cập nhật ngày: 12/05/2014 04:02:00
Là xã cù lao nằm giữa sông Tiền, Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh) có khí hậu quanh năm tương đối mát mẻ. Được sự ưu đãi của thiên nhiên, từ nhiều năm nay, người dân nơi đây đã bắt tay vào nuôi thủy sản trên sông, chủ yếu là cá tra và điêu hồng trong lồng, bè với gần 400 bè và 600 lồng. Tương lai không xa, nơi đây sẽ là điểm du lịch cộng đồng lý tưởng bởi mới đây, UBND huyện công bố kế hoạch phát triển du lịch “Làng bè Bình Thạnh”.
Điểm du lịch “Làng bè Bình Thạnh” sẽ được hình thành và đưa vào hoạt động tại ấp Bình Tân trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2014 - 2015), triển khai các hạng mục công trình bãi đậu xe, cầu bến bằng gỗ, lắp đặt các lồng bè phục vụ ăn uống, tham quan, khám phá nghề nuôi cá; sắp xếp khu vực neo đậu bè cá, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng; tập trung khai thác các dịch vụ ẩm thực, các món ăn chế biến từ thủy sản, các dịch vụ trải nghiệm như câu cá, giăng lưới, đờn ca tài tử, bán quà lưu niệm, dịch vụ thuyền đưa rước khách tham quan sông nước miệt vườn; mở rộng kết nối các địa điểm du lịch vào trục du lịch Sa Đéc - Làng bè Bình Thạnh - Khu di tích Xẻo Quít - Khu du lịch Sinh thái Gáo Giồng - Khu du lịch Gò Tháp; xây dựng đề án trồng lan với diện tích 1ha, kêu gọi đầu tư gắn kết với sản phẩm du lịch.
Giai đoạn 2 sẽ tập trung mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; tiếp tục đầu tư mở rộng cầu đường phục vụ du lịch; hình thành các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề,...
Theo UBND huyện Cao Lãnh, để việc phát triển du lịch “Làng bè Bình Thạnh” đạt hiệu quả, huyện đề ra các giải pháp như tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân ở các điểm dự kiến phát triển du lịch tham gia vào các loại hình dịch vụ, tích cực giữ gìn môi trường, truyền thống hiếu khách của người dân miền sông nước. Ngoài nguồn vốn đầu tư của tỉnh, huyện, tăng cường vận động xã hội hóa các hoạt động du lịch trên địa bàn.
Trong quá trình hình thành sẽ tạo sự riêng biệt giữa các loại hình du lịch, cung cấp các sản phẩm du lịch phong phú và đa dạng tạo sự hấp dẫn thu hút khách tham quan; kết hợp với xây dựng nông thôn mới, tổ chức vận động nhân dân tích cực tham gia chỉnh trang bộ mặt nông thôn, tạo những tuyến đường 2 bên có hàng rào cây xanh, nhà cửa thông thoáng, tạo sự gần gũi với thiên nhiên, thu hút khách du lịch.
Loại hình dịch vụ du lịch tại Bình Thạnh còn khá mới mẽ ở Đồng Tháp. Do đó, trong quá trình hình thành và đi vào hoạt động, điểm du lịch nơi đây cần có sự phối hợp hỗ trợ của nhiều ngành, nhiều cấp. Ông Ngô Quang Tuyên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc khảo sát, góp ý, hướng dẫn hoàn thiện sản phẩm, tạo sự hấp dẫn; hỗ trợ truyền thông giới thiệu tiếp thị điểm đến; xúc tiến, kết nối tour - tuyến nhằm khai thác có hiệu quả nhất tài nguyên du lịch tại chỗ trong tổng thể tài nguyên du lịch của tỉnh; tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cho nhân dân vùng du lịch “Làng bè Bình Thạnh” và tập huấn cập nhật, nâng cao kiến thức về phát triển du lịch cho lao động hoạt động trực tiếp tại điểm đến này.
Khi đi vào hoạt động, điểm du lịch “Làng bè Bình Thạnh” sẽ làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của tỉnh, hứa hẹn sẽ tạo sự hấp dẫn, thu hút khách, tăng doanh thu cho du lịch tỉnh, đồng thời tạo ra mô hình kinh tế ở xã nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Hữu Nghĩa