Phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em

Cập nhật ngày: 08/11/2016 15:59:52

ĐTO - Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận có 34 trường hợp trẻ em (TE) bị đuối nước (22 TE từ 6 tuổi trở xuống, 12 TE từ 6 tuổi trở lên). Các địa phương có nhiều TE bị đuối nước là huyện Cao Lãnh (7 TE), Lai Vung, Châu Thành (mỗi địa phương 5 TE), Lấp Vò (4 TE), TP.Cao Lãnh, Tam Nông (mỗi địa phương 3 TE).


Phổ cập bơi cho trẻ em để phòng, chống tai nạn đuối nước

 Hàng năm, tỉnh triển khai kế hoạch phòng, chống tai nạn đuối nước cho TE đến các huyện, thị xã, thành phố. Các địa phương tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống tai nạn đuối nước bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, tình trạng TE gặp tai nạn đuối nước vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân thường do gia đình lơ là trong việc trông giữ trẻ nhỏ dẫn đến tình trạng đáng tiếc xảy ra. Như trường hợp bé gái (SN 2013) con của chị Trần Thị Thùy Hương ngụ ấp Tân Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Do đi làm xa nên chị gửi con cho bà nội chăm sóc. Bé đi ra mé sông chơi mà bà không hay và té xuống sông tử vong. Hoặc trường hợp bé trai (SN 2015) con của anh Huỳnh Tấn Nhựt ở ấp 2, xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh, do gia đình sơ ý, em bò ra phía sau nhà và té xuống mương ngạt nước chết.

Để phòng, chống tai nạn đuối nước ở TE, năm 2016 Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tiếp tục thực hiện mô hình ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích và tai nạn đuối nước cho TE tại 6 xã, phường, thị trấn điểm gồm: thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông), phường 2, (TP.Sa Đéc), xã Mỹ Tân (TP.Cao Lãnh), Nhị Mỹ (huyện Cao Lãnh), Tân Bình (huyện Châu Thành), Tân Thành B (huyện Tân Hồng). Hiện nay, Sở LĐ,TB&XH đang tổ chức hoạt động truyền thông, tư vấn, trực tiếp cung cấp các kiến thức cơ bản về phòng ngừa tại nạn thương tích, đuối nước ở TE, giúp gia đình tăng cường ý thức trách nhiệm trong việc quản lý chăm sóc TE, nhất là TE sống trong hộ gia đình khó khăn, TE có hoàn cảnh đặc biệt được sống trong môi trường an toàn, hạn chế tình trạng đuối nước. Tại các địa phương, công chức LĐ,TB&XH cấp xã khảo sát nắm tình hình các gia đình có TE từ 0 đến 6 tuổi, trực tiếp đến gia đình cho ký cam kết thực hiện mô hình ngôi nhà an toàn, vận động gia đình làm hàng rào, để các vật dụng sắc nhọn xa tầm tay trẻ; tư vấn cho gia đình biết cách chăm sóc, bảo vệ TE. Ngoài truyền thông tại nhà, hiện nay Phòng LĐ,TB&XH phối hợp với Phòng Y tế huyện Lấp Vò tổ chức đến tuyên truyền tại 13 trường mầm non trong địa bàn huyện; tư vấn tại các gia đình có con nhỏ các kỹ năng phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích ở trẻ. Huyện Lai Vung chọn 3 ấp làm điểm, truyền thông hàng quý với sự tham gia của hơn 500 lượt cha mẹ, TE.

Ngoài công tác truyền thông, ngay từ đầu năm 2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn các kỹ năng cơ bản về bơi lội, xử lí tình huống TE bị ngạt nước cho hơn 160 cán bộ giáo viên thể dục của các trường, công chức LĐ,TB&XH trên địa bàn tỉnh để về địa phương thực hiện tốt công tác phổ cập bơi. Tính đến nay, toàn tỉnh mở được gần 600 lớp phổ cập bơi cho TE, dự kiến đến hết tháng 12/2016 sẽ mở được gần 800 lớp.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn