Sĩ diện và việc làm, thu nhập

Cập nhật ngày: 13/01/2016 06:23:30

Dân mình giàu hay nghèo?

So với 20 năm trước, dân mình giàu, nhiều người quá giàu. Nhà tường, ti vi, xe máy... trở thành phổ biến. Nhưng nếu so bình quân thu nhập của thế giới thì một bộ phận dân mình còn nghèo, thậm chí dưới chuẩn nghèo. Theo chuẩn nghèo nước ta giai đoạn 2010 - 2015, người nghèo nông thôn có thu nhập một năm tối đa 4,8 triệu đồng, xấp xỉ 240 USD, trong khi chuẩn nghèo thế giới - theo Ngân hàng Thế giới - là 720 USD.

Dù được đưa vào danh sách hộ nghèo căn cứ trên điều tra thu nhập, dù nghèo thật sự so với những người chung quanh, như nhà tranh vách lá, phải tần tảo sớm hôm, không có phương tiện nghe nhìn... nhưng đa số người nghèo Đồng Tháp (trong đó có người là thương binh, bị tật nguyền) không chấp nhận cũng không đổ thừa cho số phận mà tìm cách vươn lên bằng những nghề nghiệp lương thiện, tích tiểu thành đại, như lột hạt sen, đan thảm lục bình, bán vé số để có thu nhập vài chục ngàn một ngày, hoặc đi giúp việc nhà với mức lương khoảng 2,5 triệu đồng một tháng hay làm vệ sinh nhà mức tiền công bình quân 20 ngàn đồng một giờ. Khi đã có thu nhập ổn định, dù ít ỏi họ vẫn tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, vì sĩ diện cá nhân, danh sự gia đình, dòng tộc. Càng đáng trân trọng hơn khi không ít người bày tỏ: dù còn nghèo khó, nhưng ra khỏi danh sách hộ nghèo để nhường lại cho những người nghèo khó hơn, lá rách đùm lá nát.

Trong khi đó, có người vẫn còn sức khỏe, vai u thịt bắp lại cho rằng lột hạt sen, đan thảm lục bình thu nhập chẳng đáng là bao, còn mang bệnh đau cột sống, thần kinh tọa; đi giúp việc nhà là đi ở đợ, mang nhục với tổ tiên. Họ chấp nhận kiếp nghèo, thậm chí khiếu kiện khi ra khỏi danh sách hộ nghèo bởi không còn được hưởng các chính sách an sinh xã hội; trách móc ông Trời sao không lũ lụt như năm 2000 để được cứu trợ.

Năm hết, Tết đến, Đảng, Nhà nước và xã hội đang tập trung các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ để ai cũng có cái Tết vui vầy, ấm cúng. Một trong những đối tượng được quan tâm là hộ nghèo, theo phương châm, truyền thống của dân tộc: “Của ít lòng nhiều”, “Lá lành đùm lá rách”. Thời gian qua, không ít người nghèo xúc động khi nhận tiền quà, theo đó là tâm trạng tự ti, mặc cảm khi mình nghèo và hứa sẽ vươn lên thoát nghèo. Trong khi đó có người nghèo ngồi chờ, chửi đổng khi không ai đến cho tiền, quà hoặc nhận được quá ít so với mong muốn của họ.

Một bộ phận dân địa phương ta còn nghèo, thậm chí là đói nếu so sánh thu nhập bình quân trong nước và thế giới. Nhưng đa số đã tìm mọi cách thoát nghèo với bản lĩnh và truyền thống vượt qua khó khăn thử thách, với nhận thức nghèo là nhục (nghèo khổ, khổ nhục); còn một thiểu số, dù đáng trách nhưng cần sự góp sức của cộng đồng, không phải bằng cách cho cá mà cho cần câu, nhất là làm cho họ hiểu thế nào là sĩ diện trong tìm việc làm để có thu nhập, để thoát nghèo, để không trở thành gánh nặng không đáng có của xã hội.

Thọ Bình

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn