Sơ cấp cứu nạn nhân bị tai nạn điện

Cập nhật ngày: 23/05/2024 05:42:34

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240523054600dt2-8.mp3

 

ĐTO - Sơ cấp cứu người bị điện giật là việc rất quan trọng, đòi hỏi người cứu phải thật bình tĩnh, xử lý nhanh và an toàn cho cả người cứu. Nếu biết cách sơ cứu người bị điện giật đúng cách sẽ giúp nạn nhân hồi phục nhanh nhất.

Tách nạn nhân ra khỏi mạch điện

Nếu thấy có người bị tai nạn điện giật thì phải tìm mọi cách để tách nạn nhân ra khỏi mạch điện.

Trường hợp cắt được mạch điện: Cắt điện bằng những thiết bị đóng, cắt ở gần nhất như: công tắc điện, cầu chì, cầu dao, máy cắt, hoặc rút phích cắm... nếu người bị nạn ở trên cao thì phải chuẩn bị để hứng, đỡ khi người đó rơi xuống.

Trường hợp không cắt được mạch điện: nếu là mạch điện hạ áp thì người cứu phải đứng trên bàn, ghế hoặc tấm gỗ khô, đi dép hoặc ủng cao su (cách điện), đeo găng cao su (cách điện) để dùng tay kéo nạn nhân tách ra khỏi mạch điện. Nếu không có các phương tiện trên thì dùng gậy gỗ, tre khô gạt dây điện hoặc đẩy nạn nhân để tách ra hoặc dùng tay khô hay có bọc lót ni lon, bìa giấy khô... để nắm vào áo, quần khô của nạn nhân kéo ra. Nếu có kìm cách điện, búa, rìu cán bằng gỗ... thì sử dụng những dụng cụ này để cắt, chặt đứt dây điện đang gây ra tai nạn. Tuyệt đối không chạm trực tiếp vào người nạn nhân, vì như vậy, người đi cứu cũng bị điện giật.

Nếu là mạch điện cao áp thì gọi ngay số điện thoại 19001006 - 19009000 Trung tâm chăm sóc khách hàng.

Cứu chữa nạn nhân sau khi đã tách ra khỏi mạch điện

Ngay sau khi nạn nhân được tách khỏi mạch điện phải căn cứ vào tình trạng của nạn nhân để xử lý cho thích hợp, cụ thể như sau:

Nạn nhân chưa mất tri giác: nếu nạn nhân chỉ bị hôn mê trong giây lát, tim còn đập, thở yếu thì phải để nạn nhân ra chỗ thoáng khí, yên tĩnh chăm sóc cho hồi tỉnh, sau đó mời y, bác sĩ hoặc nhẹ nhàng đưa đến cơ quan y tế gần nhất để theo dõi chăm sóc.

Nạn nhân mất tri giác: nếu nạn nhân vẫn còn thở nhẹ, tim đập yếu thì đặt nạn nhân nơi thoáng khí, yên tĩnh (trời rét phải đặt ở nơi kín gió), nới rộng quần, áo, thắt lưng, moi rớt rãi trong mồm, đặt nạn nhân về tư thế nằm nghiêng, ma sát toàn thân cho nóng lên và mời y, bác sĩ đến để chăm sóc.

Nạn nhân đã tắt thở: nếu tim nạn nhân ngừng đập, toàn thân co giật giống như chết thì phải đưa nạn nhân ra chỗ thoáng khí, nới rộng quần, áo, thắt lưng, moi rớt rãi trong mồm và kéo lưỡi (nếu lưỡi thụt vào), sau đó tiến hành làm hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt ngay, phải làm liên tục, kiên trì cho đến khi có ý kiến của y, bác sĩ quyết định mới thôi.

Lưu ý: không được cạo gió, đắp đất sình, ngâm, xối nước nạn nhân vì lạnh đột ngột có thể làm trụy tim mạch dẫn đến tử vong; giữ ấm người nạn nhân, nên sử dụng vải sạch hoặc băng gạc phủ lên vết thương bị bỏng.

Phương pháp cấp cứu hồi sinh tổng hợp

Bước 1, (D) - Danger (loại trừ nguy hiểm): khi người lao động bị nạn cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp loại trừ các yếu tố nguy hiểm còn đang ảnh hưởng đến tính mạng của người bị nạn và những người xung quanh.

Bước 2, (R) - Response (phản ứng): kiểm tra, đánh giá nhanh tình trạng sống của nạn nhân về não, hô hấp, tim; nới rộng quần áo; nhanh chóng vận chuyển nạn nhân tới vị trí thuận lợi để có thể tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay (nếu nạn nhân còn ở trên cao, dưới nước...) và kêu gọi sự hỗ trợ của người khác.

Bước 3, (C) - Circulation (khôi phục hệ tuần hoàn): ưu tiên ngay việc ấn tim ngoài lồng ngực 30 lần, tần số ấn tim từ 100 - 120 lần/phút và ấn sâu từ 5 - 6cm. Việc ấn tim cần phải được thực hiện ngay, kể cả khi nạn nhân còn đang ở vị trí chưa được thuận lợi (trên xe gầu...) nhưng có thể tiến hành ấn tim được.

Bước 4, (A) - Airway (khôi phục hệ hô hấp): kiểm soát và làm thông đường thở, để cổ ngửa ra sau và đầu nghiêng về một bên, dùng 1 hoặc 2 ngón tay để móc đờm rãi hoặc các dị vật làm cản trở đường thở của nạn nhân...

 Bước 5, (B) - Breathing (hô hấp nhân tạo): sau khi thực hiện bước 4, người cấp cứu tiến hành hô hấp nhân tạo theo phương pháp miệng - miệng (là tốt nhất), hô hấp nhân tạo 2 lần liên tục, mỗi lần hô hấp quá 1 giây đến 1,5 giây, mỗi lần hô hấp nhân tạo lượng khí thổi vào miệng nạn nhân từ 0,8 - 1,2 lít.

Chú ý trong thực hành cấp cứu nạn nhân

Đối với một người cấp cứu nạn nhân cần tuân thủ các bước DRCAB (trước đây là DRABC). Sau đó, duy trì bước C rồi B theo nhịp 30/2 (30 lần ấn tim thì hô hấp nhân tạo 2 lần).

Trong trường hợp có 2 người cấp cứu; sau khi tiến hành các bước DR thì một người tiến hành ấn tim ngay 30 lần, người thứ 2 tiến hành bước 4 rồi 5. Sau đó duy trì: một người tiến hành bước C, người còn lại tiến hành bước B theo nhịp 30/2.

Trong việc cấp cứu hồi sinh yêu cầu tranh thủ từng giây, rất khẩn trương và tránh gián đoạn giữa các lần ấn tim hoặc hô hấp nhân tạo hoặc giữa ấn tim và hô hấp nhân tạo. Trong trường hợp chưa có điều kiện thuận lợi để ấn tim (nạn nhân đang còn ở trên cao, dưới nước...) thì có thể vỗ vào vùng tim của nạn nhân 3 - 5 cái nhằm kích thích tim đập trở lại. Mọi trường hợp cần phải nhanh chóng và phải ưu tiên cho việc ấn tim ngoài lồng ngực ngay.

Nhanh chóng gọi sự hỗ trợ của các cơ quan y tế (Trung tâm cấp cứu 115, cơ sở y tế địa phương gần nhất...).

Kiên trì cấp cứu nạn nhân và không được vận chuyển khi nạn nhân chưa tự thở được hoặc chưa có ý kiến của nhân viên y tế.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn