Tạo điều kiện để phụ nữ phát huy nội lực
Cập nhật ngày: 20/10/2014 13:47:44
Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh luôn gắn liền với việc nâng cao nhận thức, phát huy tiềm năng nội lực chị em. Từ đó, nhiều phụ nữ đã tự lực vươn lên, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Phụ nữ tích cực lao động, vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Hoàng Sang
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trong những năm gần đây được các cấp Hội phụ nữ tích cực thực hiện. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh xác định, để khẳng định vị thế của bản thân, mỗi phụ nữ phải luôn sống chủ động, không ỷ lại vào người khác, nhất là về kinh tế và các cấp hội thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Những ngày giữa tháng 10 này, chúng tôi đến xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự. Vùng đất cù lao này vẫn còn không ít phụ nữ có cuộc sống khó khăn. Chị Nguyễn Thị Kim Chừng (SN 1967) ngụ ấp Long Thái, xã Long Khánh B làm nghề bán nước đá lẻ. Gia đình chị Chừng thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh thiếu trước hụt sau, nhiều lần không đủ vốn mua nước đá bán lại. Xét thấy chị Chừng hoàn cảnh túng thiếu nhưng chịu khó làm ăn, Hội LHPN xã Long Khánh B đã xét cho chị vay 3 triệu đồng (nguồn vốn quỹ vì người nghèo) theo hình thức trả dần vốn và lãi hàng tháng. Chị Chừng chia sẻ: “Có được đồng vốn, tôi mua được nhiều nước đá hơn để bán, nhờ đó mà có đồng ra đồng vào nuôi con ăn học, trang trải cuộc sống trong gia đình. Tôi cảm thấy nhẹ lo hơn trước rất nhiều”.
Nói về công tác hỗ trợ việc làm cho nữ lao động (LĐ) nông thôn trên địa bàn xã, bà Đặng Hồng Nhung - Chủ tịch Hội LHPN xã Long Khánh B cho biết, vùng cù lao Long Khánh B đất hẹp, người đông, nhiều phụ nữ phải đi làm mướn, thu nhập bấp bênh. Đầu năm 2014, khi Công ty TNHH MTV Tuyết Sang (may công nghiệp) đi vào hoạt động, Hội LHPN xã đã đến từng nhà vận động trên 100 LĐ nữ nhàn rỗi tham gia học nghề may công nghiệp. Tính đến nay, các thành viên Ban Chấp hành Hội LHPN xã Long Khánh B đã vận động, giới thiệu trên 100 chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và có mức sống trung bình trên địa bàn xã vào làm cho Công ty. Phạm Thị Ngọc Hận (SN 1988) phấn khởi cho biết: “Trước đây em phải qua thị xã Hồng Ngự bán cà phê, tạp hóa mướn, mỗi tháng chỉ kiếm được vài trăm ngàn đồng. Nay em có công việc ổn định, mỗi tháng thu nhập 2 triệu đồng”.
Các mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Tổ phụ nữ giúp nhau thoát nghèo”,... đã lan rộng khắp nơi trong tỉnh, giúp nhiều phụ nữ có cuộc sống ổn định. Điển hình như mô hình Tổ phụ nữ giúp nhau thoát nghèo được Hội LHPN xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười triển khai tại 5 ấp từ năm 2012. Điểm nổi bật là các thành viên trong tổ đều nắm rõ hoàn cảnh và nhu cầu cần giúp đỡ như: giới thiệu việc làm tại chỗ, cho mượn vốn, con giống, giữ con giùm để hộ nghèo đi làm ăn,...của từng đối tượng hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ để họ nâng cao nhận thức, chí thú làm, phát triển kinh tế gia đình. Gia đình chị Trần Thị Cà Bay ngụ ấp 1, xã Hưng Thạnh trước đây thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, vợ chồng chị đi làm thuê kiếm sống. Xét thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị, Hội LHPN xã xét giới thiệu Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tháp Mười cho chị vay vốn giảm nghèo được 10 triệu đồng, đồng thời được các học viên trong Tổ phụ nữ giúp nhau thoát nghèo của ấp hướng dẫn cách chăn nuôi heo, vịt. Nhờ chịu khó làm nên kinh tế gia đình chị Cà Bay có phát triển. Cuối năm 2013, gia đình chị được xét thoát nghèo. Chị Lê Thị Dung - Chủ tịch Hội LHPN xã Hưng Thạnh cho biết, qua 2 năm thực hiện mô hình Tổ phụ nữ giúp nhau thoát nghèo đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều chị tự động đăng kí thoát nghèo, các chị khá cũng mạnh dạn giúp các chị còn khó khăn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương”.
Theo Hội LHPN tỉnh, bên cạnh vận động phụ nữ học nghề, giới thiệu việc làm, những năm gần đây, để giúp phụ nữ phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống và giảm nghèo bền vững, hoạt động hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng luôn được các cấp Hội chú trọng. Có kiến thức, có vốn, nhiều chị em mạnh dạn đầu tư phát triển ngành nghề, không những vươn lên làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ nhiều chị em khác về ngày công, vốn, kỹ thuật, tạo việc làm. Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nhắm đến hoạt động phát huy và nâng cao chất lượng LĐ nữ tại địa phương về mọi mặt: kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm; đưa nguồn lực LĐ nữ, đặc biệt là LĐ trẻ tham gia xuất khẩu LĐ để giúp chị em tìm hướng LĐ mới, có thu nhập ổn định hơn. Để giúp phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh chú trọng việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho LĐ nữ phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế địa phương và gắn với việc làm hoặc đầu ra sản phẩm sau học nghề. Việc xây dựng các mô hình của Hội phụ nữ trong những năm gần đây xuất phát từ nhu cầu thực tế chứ không áp đặt, nhờ đó mà nhiều mô hình phát động được chị em nhiệt tình hưởng ứng.
Hữu Nghĩa