Tập trung bảo vệ sản xuất, an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ

Cập nhật ngày: 07/08/2017 10:00:42

ĐTO - Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với mưa nên mực nước các nơi trong tỉnh đang lên. Tại huyện đầu nguồn Hồng Ngự, mực nước ngày 3/8/2017 cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 122cm.


Gia cố đê bao bảo vệ lúa tại ấp 1, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự

Hiện huyện Hồng Ngự có 7.000ha lúa hè thu trong giai đoạn trổ chín và trên 50ha màu đang chờ thu hoạch. Những ngày qua, do nước lũ lên nhanh đã gây ngập nhiều diện tích hoa màu ở các xã: Long Khánh A, Phú Thuận B và Thường Phước 1.

Nước lũ làm rạn nứt, sụt lún 2 đoạn đê dài gần 700m trên tuyến ô đê bao khu 1 thuộc ấp 1, xã Thường Phước 1. UBND xã Thường Phước 1 đã nhanh chóng huy động người dân tiến hành đóng cừ tràm, thuê phương tiện cơ giới xúc đất gia cố đoạn bị sụt lún, rạn nứt.

Để bảo vệ an toàn cho lúa, hoa màu, hiện UBND huyện Hồng Ngự đã chỉ đạo các xã tăng cường công tác nắm tình hình, báo cáo nhanh cho Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện hàng ngày; huy động lực lượng gia cố đê bao bảo vệ lúa.

Hiện Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Hồng Ngự đã triển khai cắm báo hiệu bằng cờ tại các nơi nguy hiểm, nơi có nước chảy xiết để người dân lưu ý; củng cố 31 chốt cứu hộ trong toàn huyện với gần 300 thành viên, trong đó có 17 chốt xung yếu tại các xã: Thường Thới Tiền, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, Thường Phước 1, Thường Phước 2; trang bị thêm gần 80 áo phao, phao cứu sinh... tại các chốt cứu hộ; tập huấn sơ, cấp cứu cho các tình nguyện viên. Hội CTĐ còn thường xuyên tuyên truyền và thông tin trên Đài Truyền thanh huyện về tình hình mưa lũ, những nơi nguy hiểm để người dân biết và đi lại cẩn thận hơn. Hội CTĐ tỉnh đang tiếp tục tổ chức tập huấn kỹ thuật sơ cứu, cứu hộ cứu nạn tại các địa phương; chỉ đạo các chốt cứu hộ trang bị phao, dây văng, áo phao,... cho các chốt cứu hộ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyên Hồng Ngự, hiện tại còn những diện tích lúa, hoa màu chưa thu hoạch, ngành nông nghiệp huyện vận động nông dân thu hoạch nhanh để tránh thất thoát do lũ; chỉ đạo UBND xã theo dõi, giám sát các đoạn đê bao để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra; đồng thời phối hợp Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện cùng các hội, đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng néo nhà cửa, không đi ra đồng khi trời giông, sấm sét... để đảm bảo an toàn tính mạng trong mùa mưa lũ.

Tại xã Long Thuận, hiện mực nước lũ trên sông Cái Vừng lên nhanh, cộng thêm áp lực dòng chảy của con nước, các diện tích đất bờ sông cũng đang bị đe dọa sạt lở, công tác di dời hộ dân sống trong khu vực sạt lở được địa phương quan tâm. Tuy nhiên một số hộ vì cuộc sống mưu sinh nên chưa chịu di dời, dù địa phương đã đến vận động nhiều lần, bố trí nền và cho ký cam kết di dời.


Sạt lở tại ấp Long Thới B ăn sâu vào tuyến đường chính của xã

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã Long Thuận xảy ra 4 vụ sạt lở với chiều dài 170m, 9 căn nhà phải di dời khẩn cấp, ước thiệt hại trên 600 triệu đồng, trong đó vụ sạt lở tại ấp Long Thới B là nghiêm trọng nhất, đoạn sạt lở ăn sâu vào tuyến đường giao thống chính của xã.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh - Chủ tịch UBND xã Long Thuận cho biết: “Nước lũ về nhanh và sớm nên tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, hiện vẫn còn một số hộ do khó khăn nên chưa chịu di dời, Địa phương đang tăng cường kiểm tra tình hình sạt lở để có biện pháp chủ động, đồng thời sẽ cương quyết vận động các hộ sống trong vành đai sạt lở phải di dời nhằm đảm bảo an toàn trước nguy cơ sạt lở”.

Trước đó, địa phương đã bố trí 1.600 hộ dân trong vành đai sạt lở đến ở nơi an toàn, tuy nhiên khó khăn hiện nay là địa phương đã không còn nền bố trí nhưng hiện vẫn còn trên 300 hộ dân sống trong khu vực sạt lở, trong đó 6 hộ nguy cấp cần di dời.

Văn Bửu

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn