Thăng hạng trong thực hiện bộ chỉ số xếp hạng địa phương về quyền trẻ em

Cập nhật ngày: 29/10/2016 06:30:24

Từ năm 2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu và thử nghiệm xếp hạng các địa phương về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (TE) hàng năm và sau 2 năm sẽ tổ chức đánh giá 1 lần. Theo đó, bộ chỉ số xếp hạng địa phương về thực hiện quyền trẻ em (PCRI) được tổng hợp từ 5 chỉ số thành phần trung gian, bao gồm: mức độ đầu tư nguồn lực cho công tác thực hiện quyền TE; mức độ chăm sóc sức khỏe TE; đánh giá công tác bảo vệ TE; mức độ đảm bảo sự tham gia của TE; mức độ đảm bảo sự phát triển của TE.


Trẻ em đang học tập tại Trường Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật tỉnh

Năm 2013, Đồng Tháp xếp hạng PCRI thứ 35/63 tỉnh, thành phố, đến năm 2014 tăng 9 bậc, xếp vị trí 26 và đến năm 2015 tăng thêm 3 bậc, xếp hạng vị trí 23. Qua đó cho thấy trong thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE trong tỉnh đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Công tác truyền thông về bảo vệ TE đang được đẩy mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, giúp cho nhận thức về quyền TE của người dân được nâng lên; gia đình xã hội có thay đổi hành vi theo hướng tích cực, các vụ việc vi phạm quyền TE được quan tâm, sớm phát hiện và kịp thời can thiệp xử lý, các quyền cơ bản của TE được tôn trọng và đáp ứng...

Theo kết quả báo cáo PCRI của Bộ LĐ,TB&XH, Đồng Tháp đã và đang thực hiện rất tốt các chỉ số có liên quan đến việc đầu tư nguồn lực cho công tác thực hiện quyền TE (số cán bộ thực hiện và tỷ lệ ngân sách đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE) và thực hiện tốt mức độ đảm bảo sự tham gia của TE, được thể hiện thông qua các hoạt động Diễn đàn TE các cấp, sinh hoạt câu lạc bộ TE, tọa đàm, khảo sát lấy ý kiến TE...; các chỉ số có liên quan đến mức độ chăm sóc sức khỏe TE và mức độ đảm bảo sự phát triển của TE được đánh giá ở mức độ trung bình so với mặt bằng chung của cả nước. Riêng các chỉ số về công tác bảo vệ TE được đánh giá chưa cao (xếp 47/63 tỉnh, thành), có nhiều nguyên nhân như năm 2015 số TE có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt vẫn còn cao (trên 14.000 em), TE bị xâm hại tình dục vẫn còn xảy ra (47 em), TE bị tai nạn thương tích còn nhiều, đặc biệt là đuối nước dẫn đến tử vong (37 em), TE sống trong hộ nghèo cận nghèo còn cao (45.399 em). Đây không chỉ là khó khăn mà còn là thách thức lớn đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE trong thời gian tới.

Để đưa Đồng Tháp trở thành 1 trong những tỉnh, thành có chỉ số PCRI vào nhóm dẫn đầu trong cả nước, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Song song đó, rất cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt đối với những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE cần có những hoạch định, chiến lượt lâu dài, xây dựng các chính sách thiết thực phù hợp dành cho TE.

Minh Thành

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn