Thành phố Cao Lãnh vươn mình bên bờ sông Tiền

Cập nhật ngày: 27/04/2015 14:03:04

Trong kháng chiến, bất khuất, kiên cường đấu tranh giành độc lập, tự do; ngày hòa bình, chính quyền, nhân dân thị trấn Cao Lãnh lại tiếp tục ra sức kiến thiết, xây dựng quê hương. Thành quả của công cuộc kiến thiết 40 năm - thị trấn Cao Lãnh, một vùng đất trũng ngập nước, cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, giao thông thấp kém, nay đã “thay da đổi thịt”, vươn mình phát triển bên bờ sông Tiền.

Đường Nguyễn Huệ. Ảnh: Thanh Phong

Trước 1975, Cao Lãnh vốn là thị xã - tỉnh lỵ của tỉnh Kiến Phong. Sau ngày giải phóng (30/4/1975), tỉnh Kiến Phong và tỉnh Sa Đéc sáp nhập thành tỉnh Đồng Tháp, thị xã Cao Lãnh trở thành thị trấn của huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp). Đến năm 1983, do nhu cầu phát triển của tỉnh, nhất là công cuộc tiến công vào Đồng Tháp Mười, Cao Lãnh được tách ra thành huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh và thị xã Cao Lãnh.

Sau giải phóng, Cao Lãnh vẫn còn là đồng ruộng hoang sơ nằm ven Đồng Tháp Mười, xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật, giao thông,... hầu như chẳng có gì. Khu vực các tuyến đường Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ (thuộc phường 1, 2 hiện nay) là tương đối sung túc, bởi nơi đây tập trung các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, nhà buôn,... Còn những khu vực khác đều là nông thôn hoang vắng hoặc là xóm nghèo lao động, đường nhỏ hẹp, lầy lội vào mùa mưa.

Năm 1990, Cao Lãnh thành thị xã tỉnh lỵ. Nhà nước tập trung xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, quan tâm chăm lo lĩnh vực giáo dục, an sinh xã hội, cuộc sống người dân dần ổn định; các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư thúc đẩy kinh tế không ngừng phát triển;... Cao Lãnh bắt đầu chuyển mình phát triển theo hướng đô thị hóa.

Thị xã Cao Lãnh được công nhận đô thị loại III vào năm 2005 và thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2007. Thành phố Cao Lãnh (TPCL) bắt đầu đô thị hóa mạnh mẽ, được đầu tư nâng cấp khang trang đóng vai trò đô thị động lực trung tâm vùng Đồng Tháp Mười với hệ thống hạ tầng giao thông khá hoàn thiện: tuyến Quốc lộ 30 được xây dựng và mở rộng đến tận biên giới Campuchia, nhiều tuyến đường mới được mở ra như đường Nguyễn Văn Tre, Hòa Đông, Hòa Tây, Vành Đai,... các tuyến giao thông liên xã đều được bê-tông, nhựa hóa;... Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế cả nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội TPCL vẫn duy trì phát triển. Tốc độ tăng trưởng khu vực thương mại - dịch vụ giai đoạn 2010 - 2015 luôn dẫn đầu (13,12%) so với các khu vực khác (nông, lâm, thủy sản là 3,52%; công nghiệp - xây dựng là 8,5%) và chiếm tỷ trọng cao nhất (65,63% ) trong cơ cấu kinh tế của thành phố; năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đạt 59,7 triệu đồng/người/năm, tăng 2,16 lần so với năm 2010; nhiều nhóm hàng công nghiệp chủ lực được mở rộng ra thị trường quốc tế và trở thành thương hiệu uy tín của cả nước như: dược phẩm, sản phẩm thủy sản,...; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo;...

Ông Huỳnh Văn Kiều - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPCL phấn khởi nói: “Về TPCL hôm nay, mọi người có thể cảm nhận sâu sắc sự đổi thay của thành phố qua mức sống người dân được nâng lên và đi vào ổn định; bộ mặt thành phố ngày càng văn minh, hiện đại; chính quyền năng động, sáng tạo, phục vụ tận tình chu đáo và niềm nở với nhân dân;...”. Chứng kiến sự đi lên của TPCL, ông Nguyễn Văn Lý (77 tuổi) ngụ phường 4, TPCL tự hào chia sẻ: “TPCL hôm nay đẹp, khang trang gấp hàng chục, hàng trăm lần so với những năm mới giải phóng. Hơn 70 năm sống, chứng kiến sự đi lên của thành phố, tôi cảm thấy rất tự hào là người con của vùng đất này. Tôi tin rằng, cùng với sự thay đổi mạnh mẽ của đất nước, TPCL sẽ không ngừng phát triển đi lên về mọi mặt để sớm trở thành một trong những thành phố nổi bật, xanh - sạch - đẹp, văn minh trong trong khu vực”.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPCL cho biết: “Để xứng tầm là đô thị trung tâm của tỉnh, với chiến lược xây dựng thành phố Năng động - Văn minh - An toàn, TPCL đang phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2020. Thực hiện mục tiêu này, thành phố tập trung phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch gắn bảo tồn truyền thống lịch sử, văn hóa với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; xây dựng chính quyền thân thiện và đẩy mạnh cải cách hành chính;...”.

Bích Liễu - Mỹ Xuyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn