Thay đổi hình thức tư vấn, đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn

Cập nhật ngày: 04/10/2013 04:49:29

Trước đây công tác tư vấn nặng về số lượng, các lớp nghề được mở mang tính đại trà, phổ biến dẫn đến thực trạng người đến học thì đông, sau khi học xong không thể làm nghề, hoặc chỉ một số ít làm nghề đã được học. Nhận thấy hình thức này tồn tại những bất cập, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Tỉnh đoàn đã thay đổi hình thức tư vấn, đào tạo nghề cho đoàn viên, thanh niên.


Đoàn viên thanh niên tham gia tư vấn nghề tại phiên giao dịch việc làm

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn và Sở LĐ-TB&XH đã tiến hành khảo sát thực trạng thanh niên chưa có nghề, việc làm trên địa bàn toàn tỉnh, dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Đây là cơ sở để các cấp bộ Đoàn làm căn cứ cho công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Anh Võ Chí Hữu - Trưởng Ban thanh niên nông thôn Tỉnh đoàn cho biết: “Hình thức tư vấn trên được thực hiện sau khi gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của đoàn viên. Trong đó có những đoàn viên thật sự muốn được học nghề, có việc làm. Có những đoàn viên đi theo phong trào, còn mơ hồ về nghề nghiệp..., do vậy phải có sự đánh giá, chọn lọc khi mở lớp. Vấn đề hiệu quả đào tạo nghề rất quan trọng, chúng tôi chấp nhận số học viên tham gia học ít, nhưng sau khi học xong, họ có thể tự tạo việc làm, thu nhập cho bản thân...”.

Thông qua các cuộc họp chi Đoàn - chi Hội, tài liệu sinh hoạt Đoàn - Hội hàng tháng, mục nghề nghiệp, việc làm trên Website Tỉnh đoàn, các bản tin, chuyên mục thanh niên,... các tờ rơi, panô tuyên truyền về học nghề đặt tại các điểm tập trung đông thanh niên như: tiệm hớt tóc, quán cà phê, điểm thông tin kiến thức cho thanh niên, điểm đọc báo thanh niên... các cấp bộ đoàn đã kịp thời tuyên truyền các nội dung về nghề nghiệp, việc làm, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trong thanh niên.

Sau khi ký kết chương trình phối hợp, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức 7 sàn giao dịch việc giao dịch (2 sàn năm 2012, 5 sàn năm 2013), mỗi sàn giao dịch thu hút khoảng 25 đơn vị tham gia tuyển dụng trực tiếp, trên 30 đơn vị tuyển dụng qua mạng. Kết quả, có 8.770 thanh niên và học sinh tham gia; 1.714 lao động nộp hồ sơ xin việc làm trực tiếp tại sàn giao dịch; 545 lao động đăng ký học nghề; trên 1.481 đến nộp hồ sơ tại các công ty và đơn vị đào tạo sau các phiên giao dịch và 4.270 lao động được giải quyết việc làm...

Ngoài ra, trong năm 2013 Ban Thường vụ Tỉnh đoàn còn phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tổ chức 3 buổi tư vấn việc làm, học nghề trực tiếp tại huyện Hồng Ngự, Thanh Bình và Tam Nông, thu hút trên 112 người tham gia. Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tăng cường và phối hợp các ngành liên quan xây dựng nhiều loại hình hoạt động hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm cho thanh niên; xây dựng, mở rộng các loại hình tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên như: tổ tư vấn giới thiệu việc làm trên địa bàn dân cư, các tổ kinh tế hợp tác có hiệu quả trong thanh niên; tiếp tục phát hiện các mô hình dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm hiệu quả, nhất là các mô hình dạy nghề gắn đảm bảo việc làm sau khi ra nghề; phối hợp tổ chức khảo sát nhu cầu về nghề nghiệp, việc làm của lao động nông thôn để kịp thời điều chỉnh nội dung và hình thức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phù hợp.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn