Thị trường mỹ phẩm vẫn còn phức tạp
Cập nhật ngày: 21/03/2014 12:41:43
Làm đẹp là nhu cầu tất yếu của mỗi người, nhất là phái nữ. Điều đáng nói là đa số khách hàng thường đến tiệm bán mỹ phẩm mua hàng qua sự tư vấn làm đẹp của người bán hàng. Thực tế này tạo môi trường cho mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường.
Tôi đến sạp hàng B.B. khu vực nhà lồng chợ TP.Cao Lãnh tìm mua mỹ phẩm tẩy trắng da, cạnh tôi là một cô gái muốn mua sữa rửa mặt đã khẳng định thương hiệu. Cô bán hàng tư vấn: “Loại này xài đâu có tốt, em xài hiệu Lys này đi, tốt lắm”. Sau một hồi chần chừ, cô gái đã mua hàng do người bán hàng tư vấn. Tôi ngỏ ý mua loại kem tẩy trắng cánh tay, cô bán hàng chỉ dẫn nhiệt tình: “Chị xài loại Tuyết (tên một loại mỹ phẩm) này đi, tốt lắm, xài kèm thêm loại kem trộn dưỡng trắng này nữa là bảo đảm trắng bóc...”. Thấy tôi hơi do dự, cô bán hàng nói thêm: “Giờ ai cũng khoái làm đẹp, chị nhát quá mà làm đẹp cái gì, xài mỹ phẩm mà sợ dị ứng, sợ tốn tiền làm sao mà đẹp được...”.
Tôi đi sang sạp hàng đối diện với sạp B.B. Sạp hàng này có rất nhiều loại mỹ phẩm khác nhau. Một chị phụ nữ tuổi “sồn sồn” đã đứng đó từ trước. Khi cô giở khẩu trang ra để lộ một mảng da bị sạm đỏ bên gò má. Cô chỉ tay vào loại mỹ phẩm để trên kệ và cho biết loại này làm cho mặt cô đỏ, rát mấy ngày qua. Nghe xong người bán giải thích: “Loại này ai xài cũng tốt, sao chị xài không được, mặt bị ngứa chị mua tuýp kem 20 ngàn đồng này về xức đi, đảm bảo từ đây về đến nhà là chị hết ngứa liền. Nghe lời người bán, cô mua hàng lấy 1 hủ kem trị nám giá 200 ngàn đồng, kèm theo một ống kem chống ngứa mặt 20 ngàn đồng. Vừa để 2 ống kem vào túi nilon, người bán quay sang hướng dẫn tôi y như bác sĩ da liễu: “Da mặt có nhiều loại lắm, loại da mặt mỏng thì xài loại kem này, da ít dị ứng thì xài loại này, nhiều người tới đây mua hàng chị đều tư vấn hết. Em nên xài kem trộn này để lột sẽ trắng hơn, giá một hủ là 50 ngàn đồng, lột xong em phải dưỡng, nếu không sẽ đen lại đó”.
Cầm hủ kem lột trắng người bán hàng đưa, tôi tìm hoài không thấy nhãn hiệu, hướng dẫn sử dụng, lấy thêm tuýp kem trị ngứa da mặt chỉ thấy trên sản phẩm có chữ Yopo White-Gream ngoài ra không còn thấy dòng chữ nào khác.
Để đôi môi được đẹp hơn, chị em phụ nữ chỉ cần 10 ngàn đồng có thể mua một thỏi son được giới thiệu made in Korea ngay tại chợ TP.Cao Lãnh với lời tư vấn nhiệt tình từ phía người bán: “Đây là son nhập, đảm bảo xài cả ngày cũng không phai...”. Có rất nhiều loại son môi được bày bán, từ son xí muội (được giới thiệu của Thái Lan) để trong những trái dâu, trái cam cho đến các loại son bóng, son gió, son dưỡng bóng môi, mềm môi dùng trong những ngày nắng nóng... Giá cho mỗi thỏi son từ 10 ngàn đến 80 ngàn đồng, tùy theo nhãn hiệu hàng. Về kiểu dáng có loại son môi dài cả gang tay gọi là son ánh kim, son màu nước, nhưng có loại son thỏi làm theo dạng bé cỡ ngón tay út đủ màu sắc.
Sự đa dạng của các loại mỹ phẩm trên thị trường cũng như cách thức kinh doanh của người bán gây khó khăn cho việc kiểm soát và quản lý của cơ quan chức năng. Thông thường, các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, chỉ một số ít được trưng bày bên ngoài tủ kính, số khác được người bán cất giấu, chỉ khi khách quen hoặc có người hỏi mới mang ra. Một số người bán có một công thức riêng, tự trộn nhiều loại kem lại với nhau để ra một hỗn hợp kem, còn gọi là kem trộn. Loại mỹ phẩm này được nhiều người dùng để tẩy trắng da, lột da cấp tốc.
Với những biến tướng từ thị trường mỹ phẩm, năm 2013, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện, xử lý 1 cơ sở tại tỉnh An Giang qua địa bàn Đồng Tháp kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong năm 2014, thanh tra tiếp tục phát hiện, xử lý phạt hành chính 20 triệu đồng đối với 1 cơ sở sản xuất mỹ phẩm tại xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh với lỗi vi phạm không công bố sản phẩm, mỹ phẩm theo quy định. Ngày 21/3/2014, Thanh tra Sở Y tế, Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Chi cục Quản lý thị trường sẽ thực hiện kiểm tra liên ngành về y, dược tư nhân, mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh.
C.Phương