Trao “cần câu” để người nghiện ma túy làm lại cuộc đời

Cập nhật ngày: 27/12/2020 06:04:12

ĐTO - Cùng với công tác quản lý, điều trị, cai nghiện ma túy cho học viên (HV), Cơ sở Điều trị nghiện tỉnh Đồng Tháp còn quan tâm công tác dạy nghề cho HV nhằm tạo cơ hội việc làm cho họ khi tái hòa nhập cộng đồng. Đây là “cần câu” giúp người nghiện ma túy làm lại cuộc đời, góp phần phòng, chống tái nghiện hiệu quả.


Cơ sở Điều trị nghiện tỉnh phối hợp tổ chức lớp dạy sửa kiểng bonsai cho học viên

Gần đây, Cơ sở Điều trị nghiện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tổ chức buổi tư vấn hướng nghiệp, đào tạo, giới thiệu việc làm cho HV đang điều trị nghiện tại cơ sở. Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng Phòng Thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp đến gặp gỡ trực tiếp HV, trao đổi, định hướng cho HV tìm việc làm và học nghề phù hợp. Ông Nguyễn Văn Hiệp thông tin với HV về công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời giới thiệu với HV một số nghề ngắn hạn mà Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp đào tạo như: sửa xe gắn máy, cơ khí, trang điểm và làm tóc, sửa kiểng bonsai... Ngoài ra, HV còn có thể học các lớp dạy nghề dài hạn với trình độ trung cấp, cao đẳng như: công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, kỹ thuật xây dựng và nhiều ngành khác.

Qua những buổi tư vấn hướng nghiệp và được Cơ sở Điều trị nghiện tạo điều kiện, nhiều đối tượng “lầm đường, lạc lối” đã chọn học nghề phù hợp với bản thân để có cơ hội tìm việc hoặc tự tạo việc làm khi tái hòa nhập cộng đồng. HV L.Q.K. ngụ xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự vào cai nghiện ma túy trong Cơ sở Điều trị nghiện hơn 4 tháng nay. K. đang học nghề sửa kiểng bonsai do Cơ sở Điều trị nghiện phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Cao Lãnh tổ chức. HV L.Q.K. bộc bạch: “Trước khi đi cai nghiện ma túy, em chưa có nghề nghiệp ổn định. Thấy mình cũng có chút “hoa tay” nên em đăng ký học nghề sửa kiểng bonsai. Em thích nghề này và hy vọng sau khi cai nghiện xong, về với gia đình, sẽ tìm được việc phù hợp với nghề em chọn”. Còn HV L.T.Đ. (SN 1995) ngụ xã Hòa An, TP.Cao Lãnh chia sẻ dự định: “Sau khi hoàn thành thời gian điều trị nghiện, em sẽ đi học lái xe ô tô. Em nghĩ nghề này thích hợp với mình và cơ hội việc làm cũng nhiều”.

Đây là lần thứ 2, HV Đ.N.H.N. (40 tuổi) ngụ xã Bình Thành, huyện Lấp Vò phải vào Cơ sở Điều trị nghiện để điều trị, cai nghiện ma túy. Anh N. đã lập gia đình nhưng hôn nhân không hạnh phúc và tan vỡ. Để mong quên đi buồn phiền chuyện gia đình, anh N. tìm đến ma túy và dần dần trở thành kẻ nghiện ngập. Cai nghiện lần đầu tiên xong, khi trở về cộng đồng, do không có việc làm ổn định, phần bị bạn bè lôi kéo, anh N. lại tái nghiện ma túy. Vào cai nghiện lần thứ 2 này, sau khi được tư vấn hướng nghiệp, anh N. chọn học nghề xây dựng. “Tôi đã học xong nghề xây dựng và được cấp Chứng chỉ sơ cấp nghề. Không bao lâu nữa tôi hoàn thành thời gian cai nghiện, có nghề trong tay, tôi sẽ dễ tìm việc làm hơn và quyết tâm từ bỏ ma túy” - anh N. tâm sự.

Từ tháng 11/2019 - 11/2020, Cơ sở Điều trị nghiện tổ chức tiếp nhận, quản lý 818 lượt người nghiện ma túy, trong đó năm 2019 chuyển sang 331 HV và tiếp nhận mới trong năm 2020 là 487 HV. Sau thời gian điều trị nghiện tại cơ sở, có 483 HV được tái hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, cơ sở đang quản lý, điều trị nghiện cho hơn 310 HV. Ông Lê Văn Rạng - Giám đốc Cơ sở Điều trị nghiện tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Để góp phần giúp HV có nghề nghiệp, tìm được việc làm, sống hữu ích cho gia đình và xã hội, Cơ sở Điều trị nghiện rất quan tâm công tác dạy nghề cho họ. Năm 2020, cơ sở phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Cao Lãnh và Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tổ chức mở 5 lớp dạy nghề như sửa kiểng bonsai (2 lớp), kỹ thuật làm móng và tóc, hàn điện, xây dựng cho 95 HV đang cai nghiện ma túy tại Cơ sở Điều trị nghiện. Cơ sở còn duy trì lao động trị liệu cho HV như: trồng rau xanh các loại để cung ứng một phần cho bếp ăn của HV, chăm sóc cây kiểng, trồng cây tạo cảnh quan cho đơn vị”.

N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn