Trao đổi nhiều thông tin tại hội nghị giao ban báo chí tháng 9

Cập nhật ngày: 09/10/2018 17:30:15

ĐTO - Ngày 9/10, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 9/2018. Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị và lãnh đạo các cơ quan báo chí, phóng viên đã trao đổi nhiều nội dung.


Ông Kiều Thế Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí

Theo Sở TT&TT, trong tháng 9, các cơ quan báo chí trong tỉnh, báo trung ương, báo ngành thường trú tại địa phương thực hiện nghiêm túc và hiệu quả định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở TT&TT.

Ông Võ Thành Ngoan – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước diễn biến của biến đổi khí hậu và đập thủy điện ở thượng lưu, tình hình thiên tai sạt lở bờ sông xảy ra ngày càng phức tạp gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tình hình sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu xảy ra tại 21 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố với tổng chiều dài sạt lở 26,1 km, sạt lở 5,72 ha. Toàn tỉnh Đồng Tháp có 5.978 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn. Từ đầu năm đến nay, ước thiệt hại sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu khoảng 12,62 tỷ đồng.

Về phòng chống bệnh, dịch truyền nhiễm, bác sĩ Dương Ân Hận – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm 9 tháng đầu năm có số mắc tương đối ổn định, không có địa phương xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm.

Tuy nhiên, có 1 trường hợp tử vong do mắc tay chân miệng và 3 trường hợp tử vong do cúm H1N1. Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong va ngoài nước diễn biến phức tạp, nhiều bệnh mới nổi, tái nổi có nguy cơ xuất hiện như: Ebola, MERS-CoV, Cúm A H5N1, H7N9, Zika…; cúm AH1N1 có nguy cơ gây dịch cao.

Về việc kết quả xử lý nợ xấu (XLNX) của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn, theo ông Nguyễn Văn Quế - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp, tính đến 14/8/2018, nợ xấu đánh giá theo Nghị quyết 42 của các TCTD là 965.696 triệu đồng, chiếm 4,23% tổng dư nợ xác định theo Nghị quyết 42. Hình thức XLNX tại các TCTD trên địa bàn do khách hàng trả nợ chiếm tỷ lệ cao (46%) so với tổng XLNX xác định theo Nghị quyết 42; XLNX do áp dụng các chính sách tại Nghị quyết 42 chưa phát sinh.

Ông Trần Văn Lập – Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười chia sẻ, hiện nay các sản phẩm được chế biến từ cây sen trên địa bàn huyện ngày càng đa dạng và được thị trường ưa chuộng như: sữa hạt sen của Cơ sở Diễm Thúy, Cơ sở Sen Hồng; các loại trà từ sen như: trà lá sen, trà tim sen, sen sấy của Công ty TNHH MTV Khánh Thu; hạt sen sấy khô, hạt sen rang bơ của Công ty Cổ phần đầu tư thương mại du lịch Đồng Tháp Mười,... Với lợi thế về cây sen, huyện đã quy hoạch vùng trồng sen 300ha tại hai xã Tân Kiều và Mỹ Hòa.

Ông Kiều Thế Lâm – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, nêu những kết quả bước đầu của các đơn vị đã thực hiên sáp nhập; phân tích những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo dựng hình ảnh, thu hút đầu tư...của tỉnh.

Đối với vấn đề sạt lở bờ sông, ông Kiêu Thế Lâm nhấn mạnh cần tuyên truyền để người dân trong vành đai sạt lở nâng cao nhận thức mức độ nguy hiểm để sớm di dời đến nơi an toàn, đồng thời phản ánh sự cố gắng của các cấp, các ngành liên quan trong việc phòng và khắc phục hậu quả sạt lở.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn