Trở lại nơi hình thành y tế Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 17/02/2016 13:01:33

Trong không khí vui tươi, phấn khởi mừng Đảng, mừng Xuân Bính Thân năm 2016, Đảng ủy và Ban lãnh đạo Sở Y tế Đồng Tháp đã tổ chức về nguồn tại căn cứ kháng chiến của Ban Dân y tỉnh Kiến Phong (nay là Sở Y tế Đồng Tháp) tại xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười. Cán bộ, y sĩ, bác sĩ của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh và hàng trăm người dân xã Thanh Mỹ tham gia.


Tặng quà cho các gia đình có công hỗ trợ giúp đỡ Ban Dân y nhân dịp Tết Bính Thân năm 2016

Đồng chí Đoàn Tấn Bửu – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp cho biết, đây là dịp để các thế hệ thầy thuốc nối tiếp phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”. Ngành Y tế được phát triển sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, không quên công lao của bà con xã Thanh Mỹ (Đồng Tháp) và nhiều bà con ở tỉnh Tiền Giang (khu vực giáp ranh với xã Thanh Mỹ) đã không ngại nguy hiểm trước kẻ thù, dám đối mặt với bao gian khổ, sẵn sàng cung cấp và tiếp tế tài lực, vật lực, thậm chí hy sinh cả tính mạng để bảo vệ dân y, bảo vệ thương binh. Bà Phạm Thị Thêu (68 tuổi) ngụ ấp Hưng Lợi, xã Thanh Mỹ tâm sự: “Trong điều kiện chiến tranh hết sức khó khăn và ác liệt, bản thân tôi và gia đình đã hỗ trợ, giúp đỡ nhiều cán bộ hoạt động, trong đó có Ban Dân y. Nhiều năm qua, Sở Y tế tổ chức họp mặt, ăn Tết cùng các gia đình đã cưu mang, đùm bọc Ban Dân y tỉnh Kiến Phong hoạt động thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Từ đó, bản thân và gia đình cảm thấy vui vì mình cũng góp phần vào việc đấu tranh giải phóng dân tộc”.

Vào những năm kháng chiến, ngành y tế có 2 nhiệm vụ vừa chăm sóc sức khỏe nhân dân, vừa chăm sóc sức khỏe cho thương binh nên tổ chức y tế là quân dân y kết hợp. Tỉnh Kiến Phong lúc bấy giờ được thành lập Tổ Quân dân y, đến năm 1951 chuyển thành Ban Quân dân y tỉnh Long Châu Sa. Đến tháng 3/1964, Ban Quân dân y nói trên được tách ra thành 2 ban. Đó là Ban Quân y và Ban Dân y. Khi mới tách ra, Ban Dân y chỉ có 5 người, đến cuối năm 1964 phát triển thêm 3 nữ hộ sinh; cơ sở vật chất (trạm xá, trại bệnh và phòng mổ...) chủ yếu là do người dân hỗ trợ; trạm xá chỉ có một bộ trung phẫu, một số dụng cụ y tế và thuốc men phục vụ cho cấp cứu và phẫu thuật. Ngày 30/4/1975, Ban Dân y với 65 cán bộ ra tiếp quản, sau 41 năm giải phóng, ngành y tế tỉnh nhà không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Hiện nay, toàn ngành y tế có gần 70 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện và 144 trạm y tế xã, 6.430 cán bộ, công chức, viên chức với hàng ngàn bác sĩ đảm bảo nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân tỉnh nhà. Đồng chí Đoàn Tấn Bửu bộc bạch: “Trải qua thời kỳ chiến tranh ác liệt, Ban Dân y trên đất Thanh Mỹ anh hùng có nhiều tấm gương dũng cảm huy sinh của cán bộ y tế, nhiều gia đình nuôi chứa và bảo vệ Ban Dân y. Phát huy truyền thống trên, cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế Đồng Tháp sẽ không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn cao, có đạo đức cách mạng và y đức của người thầy thuốc xã hội chủ nghĩa.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn