Truyền thông chống kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS
Cập nhật ngày: 02/05/2018 15:58:26
ĐTO - Muốn giảm nguy cơ lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng, giải pháp quan trọng và hữu hiệu nhất là vận động truyền thông chống kỳ thị với người bệnh - Đó là chia sẻ của ThS Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Khoa Truyền thông - Can thiệp, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đồng Tháp trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Báo Đồng Tháp.
Lễ phát động Tháng phòng, chống HIV/AIDS năm 2017
* Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, tình hình nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh? Nhóm đối tượng nào nhiễm cao nhất?
- ThS Nguyễn Văn Phúc (N.V.P): Tính trường hợp nhiễm HIV đầu tiên phát hiện tại Đồng Tháp năm 1992, đến quí I năm 2018, số nhiễm HIV được phát hiện trên địa bàn tỉnh là 6.648 trường hợp. Trong đó, có 3.086 trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong 1.453 trường hợp. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, số nhiễm HIV mới là 109 trường hợp, chuyển AIDS 10 trường hợp và tử vong 10 trường hợp.
Trong những năm trước, đa số người nhiễm là người tiêm chích ma túy hay phụ nữ mại dâm. Nhưng ở giai đoạn hiện nay, HIV lại tập trung trên nhóm đối tượng trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Kế đến là nhóm phụ nữ mang thai, do họ bị nhiễm HIV từ bạn tình. Sau khi xét nghiệm và phát hiện nhiễm HIV, đa số trường hợp này đều được uống thuốc điều trị dự phòng nên khi sinh con hầu hết trẻ không bị nhiễm HIV. Còn lại, một số ít là công nhân trong các công ty, xí nghiệp và lao động phổ thông.
* PV: Các nguy cơ lây nhiễm HIV? Đâu là nguy cơ dễ nhất, phổ biến nhất?
- Th.S N.V.P: Tóm lại, ở giai đoạn này nhiễm HIV tập trung nhiều ở nhóm đối tượng trẻ, có trình độ học vấn cao, nguy cơ cao nhất vẫn là lây truyền do quan hệ tình dục (QHTD) không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nguy cơ lây nhiễm cao nhất vẫn là đối tượng sinh viên, học sinh sống trong môi trường tập thể, xa nhà, sống chung nhà trọ với bạn bè, có thể do tò mò hay hiểu lệch lạc về vấn đề giới tính nên dễ đưa đến thực hiện những hành vi tình dục không an toàn. Bên cạnh đó, cũng phần nào do đặc điểm của xã hội hiện nay, mọi người có suy nghĩ thoáng hơn về vấn đề tình dục và cũng không còn kỳ thị với những người đồng tính nên quan hệ bạn bè của họ cũng phổ biến và nhiều hơn.
* PV: Các hoạt động truyền thông của đơn vị, địa phương trong việc phòng tránh nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và kết quả ra sao, thưa ông?
- ThS N.V.P: Chính vì những đặc điểm nêu trên nên vấn đề truyền thông cũng phải tùy thuộc vào các nhóm đối tượng mà có giải pháp phù hợp. Chúng ta vẫn giữ hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc này được thực hiện thường xuyên trên đài phát thanh xã, phường, các cơ sở y tế hàng tuần, trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, quan trọng nhất hiện nay vẫn là truyền thông trực tiếp trên từng nhóm đối tượng. Như đối với sinh viên, học sinh thì tổ chức sinh hoạt lồng ghép vào những sự kiện hoạt động trong nhà trường cho học sinh, sinh viên tìm hiểu. Các công ty, xí nghiệp tổ chức các buổi tọa đàm dành cho công nhân lao động để trao đổi về vấn đề tình dục an toàn và HIV/AIDS.
Hàng năm, tỉnh đều phát động những tháng truyền thông HIV/AIDS như: truyền thông cho đối tượng phụ nữ tuổi sinh đẻ về nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con; tập trung xét nghiệm HIV cho tất cả phụ nữ mang thai nhằm phát hiện sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho bà mẹ nhiễm HIV (tháng 6) và Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (tháng 12).
Đối với cộng đồng những người đồng tính và chuyển giới (gọi tắt là cộng đồng LGBT) thì tổ chức những buổi sinh hoạt tọa đàm lồng ghép vào các hoạt động vui chơi giải trí khác; chủ yếu xoay quanh chủ đề các bệnh lây truyền qua đường tình dục và tình dục an toàn.
* PV: Trung tâm có những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, góp phần kéo giảm tỷ lệ nhiễm mới và nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS?
- ThS N.V.P: Hiện nay, trình độ nhận thức về HIV/AIDS của mọi người được nâng cao, ai cũng hiểu được HIV/AIDS lây truyền như thế nào, vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm cũng giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, làm thế nào để giảm nguy cơ lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng, theo tôi cần đẩy mạnh công tác truyền thông chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là trong các cơ sở y tế. Bệnh nhân AIDS hay người nhiễm HIV được xem như những người bệnh bình thường khác (vì HIV không lây truyền qua tiếp xúc thông thường) thì họ mới dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ xét nghiệm phát hiện, cũng như tiếp cận điều trị thuốc ARV (viết tắt của Antiretrovaral - là loại thuốc được chế ra nhằm làm giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể).
Hơn nữa, HIV hiện nay được xem là bệnh mãn tính chứ không phải bệnh nan y. Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng nếu người nhiễm khi phát hiện sớm được uống thuốc điều trị thì sẽ sống khỏe mạnh bình thường như những người khác. Còn nếu người nhiễm HIV được uống thuốc điều trị ARV mà xét nghiệm tải lượng virut dưới ngưỡng thì cũng không còn khả năng làm lây nhiễm cho người khác.
PV: Xin cám ơn ông!
Phước Lộc (Thực hiện)