Từ đề án 343 xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu

Cập nhật ngày: 30/11/2015 13:09:14

Thực hiện Đề án tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Đề án 343) giai đoạn 2010 - 2015, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu vừa hoàn thành nhiệm vụ cơ quan, vừa đảm đương việc gia đình và tích cực tham gia công tác xã hội.


Cô Võ Thị Điệp

Cô Võ Thị Điệp - Trường THPT Cao Lãnh 1 (huyện Cao Lãnh) luôn tâm niệm, việc gì khả năng có thể cống hiến, góp sức thì cố gắng tham gia. Từ công tác chủ nhiệm, đứng lớp cho đến các hoạt động đoàn thể, công đoàn, cô đều là tấm gương đi đầu thúc đẩy các phong trào của nhà trường. Đặc biệt, với vai trò là Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ của trường, cô luôn giúp đỡ và hỗ trợ giáo viên nữ khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với vai trò Phó Bí thư Đảng ủy nhà trường, cô Điệp luôn vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều cách tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, phát huy thế mạnh khả năng của từng người. Nhờ vậy, công tác xây dựng Đảng của nhà trường nhiệm kỳ qua đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, đặc biệt có 12 học sinh được kết nạp Đảng, trong đó có 8 đảng viên là nữ.

Nhờ sự tuyên truyền về phẩm chất người phụ nữ trong thời kỳ hiện đại theo Đề án 343 mà các giáo viên nữ tại trường đã mạnh dạn, tự tin đảm trách nhiều vị trí quan trọng trong nhà trường. “Không ít chị em nữ trong trường có tư tưởng hài lòng với những gì đang có, ít chịu phấn đấu. Do đó, trách nhiệm của tôi là đẩy mạnh tinh thần xung phong, hăng hái của các chị. Với giáo viên nữ ít chịu tham gia công tác xã hội, công tác đoàn thể, cần có những tác động để khơi dậy sự quyết tâm cũng như sự tự tin vào khả năng của từng chị em. Nhờ vậy, khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng nữ trong đơn vị được phát triển Đảng tăng lên rất nhiều” - cô Võ Thị Điệp cho biết.

Ở xã vùng sâu Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, đối với nhiều chị em, hình ảnh chị Lê Thị Dung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã đã trở nên gần gũi, quen thuộc. Từ chuyện làm ăn, dạy dỗ con cái đến tạo việc làm cho từng hội viên cũng đều được chị đặc biệt quan tâm. Nhiều hoạt động do chị Dung phát động nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của chị em phụ nữ trong xã. Qua đó, nhiều năm liền, cá nhân chị Dung và Hội LHPN xã đã đạt được thành tích xuất sắc trong công tác Hội. Chị Nguyễn Thị Cúc - hội viên Hội LHPN xã Hưng Thạnh cho biết: “Từ khi về đảm nhận công tác Hội, chị Dung rất nhiệt tình lo cho chị em hội viên từ xã tới ấp. Thấy chị Dung nhiệt tình và cởi mở, hòa nhã nên chị em mến. Qua đó, nhiều chị em hăng hái tham gia công tác Hội, phong trào phụ nữ của xã phát triển”.


Chị Dung hướng dẫn hội viên đan lục bình

Từ chỗ tuyên truyền, giáo dục một cách khuôn sáo, chị Dung đã từng bước xây dựng thành các buổi nói chuyện, tâm tình cùng các chị em để tìm ra cách làm hay, tiết kiệm và hiệu quả; nắm được đặc thù của từng chị em, hoàn cảnh của từng người mà có cách thức vận động tuyên truyền khác nhau. Chị Lê Thị Dung chia sẻ: “Là cán bộ ở vùng sâu, tôi luôn tìm tòi, học hỏi những mô hình thiết thực để xây dựng thành phong trào, mô hình phù hợp với thực tế ở địa phương mình, đồng thời đảm bảo vừa phục vụ mục tiêu chính trị của xã vừa đem lại lợi ích chính đáng cho hội viên”.

Trên đây chỉ là 2 cá nhân tiêu biểu trong rất nhiều những cá nhân, tập thể xuất hiện trong giai đoạn thực hiện Đề án 343 ở tỉnh. Nhờ thực hiện đề án, phụ nữ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong lao động sản xuất, tiếp cận với khoa học kỹ thuật và tìm hiểu, nắm bắt về chủ trương, chính sách, pháp luật nhà nước có liên quan đến phụ nữ. Qua đó, vai trò, vị trí xã hội của phụ nữ từng bước được thay đổi theo hướng tích cực.

Lê Thanh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn