Vạn sự khởi đầu nan

Cập nhật ngày: 13/01/2016 12:33:16

Năm 2015, có gần 600 lao động (LĐ) đã dừng tham gia các chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ). Đây là điều đáng tiếc, nhưng cũng thực tế bởi “Vạn sự khởi đầu nan”, nhiều LĐ và gia đình đã không thể vượt qua.

Vậy những khó khăn ban đầu nào làm nhiều LĐ không vượt qua? Trước hết là hơn 200 LĐ đã bỏ cuộc vì không đảm bảo sức khỏe để làm việc ở nước ngoài, trong đó có hơn 50 LĐ có thể không phải mất cơ hội nếu như các bạn không chạy theo cách sống “hiện đại” là xâm vẽ trên cơ thể (xâm mình là một trong những việc cấm kỵ của chủ sử dụng LĐ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,...). Kế đến là có nhiều bạn bỏ cơ hội làm việc ở nước ngoài do không giữ vững ý chí, không có quyết tâm và sự động viên của gia đình, cho rằng thời gian ra nước ngoài phải học, phải chờ đợi làm visa mất từ 6 tháng đến 1 năm,... Năm qua, có 2 cán bộ, viên chức của Trung tâm dịch vụ việc làm đã đi lập nghiệp ở nước ngoài, đó là Nguyễn Long Vân đi Nhật Bản theo hợp đồng làm việc 3 năm, thu nhập hiện nay đạt mức 34 triệu đồng/tháng và cơ hội làm việc ở Nhật Bản có thể kéo dài đến 8 năm; Đặng Quang Thái đi làm ở Hàn Quốc, thu nhập 35 triệu đồng/tháng và cơ hội được làm việc ở Hàn Quốc có thể kéo dài đến 9 năm 8 tháng. Trong năm 2015, có hơn 500 LĐ trong tỉnh đã đi làm việc ở nước ngoài như Long Vân và Quang Thái. Họ đều vượt qua được những khó khăn ban đầu khi tham gia chương trình XKLĐ.

Đáng tiếc nhất là năm qua có gần 300 bạn đã không đủ điều kiện kinh tế để thực hiện kế hoạch tìm đường làm ăn ở nước ngoài, chủ yếu là ở Nhật Bản vì không đủ tiền chuẩn bị ban đầu (khoảng 40 - 50 triệu đồng), dù biết rằng sắp tới ngày xuất cảnh sẽ được vay tiền từ chính sách khuyến khích của tỉnh. Hiện nay, những LĐ có kinh tế gia đình khó khăn đang được UBND tỉnh xem xét, được các ngành thấu hiểu, nên tin tưởng sẽ được giải quyết từ đầu năm 2016. Giải pháp là cho phép Ngân hàng Chính sách Xã hội cho những LĐ thuộc gia đình khó khăn được vay tiền XKLĐ giải ngân 2 lần. Lần đầu là hỗ trợ ngay sau khi LĐ đã được chọn chính thức để LĐ thực hiện các trách nhiệm về chi phí học ngoại ngữ, khám sức khỏe và tiền cọc đăng ký làm visa cư trú. Giải ngân lần 2 là khi LĐ chuẩn bị ra nước ngoài làm việc. Đây có thể gọi là ưu đãi đặc biệt cho LĐ Đồng Tháp có hoàn cảnh khó khăn, muốn vươn lên từ việc chọn cách làm ăn hiệu quả cả về kinh tế và xã hội mà lãnh đạo tỉnh đang hướng tới - đưa LĐ ra nước ngoài làm việc, góp phần phát triển nguồn nhân lực mới ở Đồng Tháp.

Băng Sơn

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn