Vì sao gia đình bé gái 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm vắc xin phản ứng?
Cập nhật ngày: 21/07/2014 05:26:42
Không đồng tình với kết luận sơ bộ của ngành y tế về nguyên nhân tử vong của con sau khi tiêm vắc xin là do sặc sữa, gia đình bé Võ Thị Bảo Trâm ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười đã phản ứng với ngành y tế.
Người nhà bảo không có pha thuốc vào sữa (?)
Tiếp chúng tôi trong căn nhà của cha mẹ chồng ở ấp 5B, xã Trường Xuân, chị Trần Thị Thu Vân, mẹ của bé Trâm nói trong đau khổ: “Con em đã chết, gia đình rất buồn nhưng càng buồn hơn khi nghe cơ quan y tế trả lời nghi là bị sặc sữa. Vợ chồng em không có pha thuốc vào sữa cho con em bú nhưng tại sao người ta nói em pha thuốc vào sữa?”.
Vợ chồng anh bé Tư đau khổ sau khi bé Trâm chết
Lúc 8 giờ ngày 7/7/2014, qua khám sàng lọc, sức khỏe bé Trâm bình thường, không sốt và bệnh tật bẩm sinh nên bé được cán bộ Trạm Y tế xã Trường Xuân tiêm 1 mũi BCG, 1 mũi vắc xin 5 trong 1 (Quinvaxem) và uống Sabin. Sau khi tiêm, 30 phút theo dõi tại trạm, tình trạng của bé bình thường nên được cho về.
Khoảng 14 giờ cùng ngày, bé Bảo Trâm được đưa đến Trạm Y tế xã Trường Xuân trong tình trạng sốt 380C, mạch, huyết áp bình thường, tim phổi không phát hiện bệnh lý nên được bác sĩ Nguyễn Văn Dẫu - Trưởng Trạm Y tế cho uống nửa gói Hapacol 150mg và cho người nhà chườm mát hạ nhiệt bé. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày bé hết sốt, được cho về và cho thuốc uống kèm.
Tuy nhiên, đến khoảng 1 giờ 10 phút ngày 8/7/2014 thì người nhà đưa bé Trâm vào Trạm Y tế trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, chân tay lạnh. Dù được xử trí bằng biện pháp hồi sức tích cực nhưng không có kết quả.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Dẫu - Trưởng Trạm Y tế xã Trường Xuân nói: “Khi bé Trâm vào Trạm buổi chiều, tôi có đưa thuốc hạ sốt cho bé uống thì mẹ bé pha thuốc vào sữa cho bé uống. Không riêng gì tôi mà mấy cô khác (y tá) tại Trạm cũng bắt gặp”. Thế nhưng anh Võ Văn Bé Tư khẳng định không có việc pha thuốc vào sữa cho bé uống. “Nhà tôi không có pha thuốc vào sữa cho bé uống như ngành y tế đã thông tin. Buổi chiều hôm đó, Trạm Y tế không có ly để pha thuốc, tôi còn chạy ra phía trước Trạm mượn ly cho bé uống thuốc”, anh Tư nói.
Nhận định sơ bộ không có liên quan đến vắc xin và quy trình tiêm chủng
Ngay sau khi bé Trâm chết, buổi chiều ngày 8/7, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp đã chủ trì buổi họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế của tỉnh để thông tin vụ việc. Tham gia buổi họp còn có lực lượng Công an tỉnh, huyện cùng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.Hồ Chí Minh.
Trong buổi họp, bác sĩ, Trung tá Nguyễn Cao Giang là Giám định viên pháp y của Phòng Kỹ thuật khoa học hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp đã nhận định (qua giải phẫu tử thi) trong đường hô hấp, thanh, khí, phế quản, phế nang của nạn nhân đầy dịch trắng, đục, lợn cợn, có mùi chua, phù hợp với dịch có ở dạ dày, phổi có nhiều chỗ xuất huyết. Lực lượng công an đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để cho kết quả.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.Hồ Chí Minh trong đợt tiêm ngừa của bé Trâm có 4/36 trẻ được tiêm bị sốt thì tỷ lệ này là bình thường, cho phép trong tiêm chủng. Ông Khanh phân tích: “Lần đầu tiên trẻ đến trạm y tế trong tình trạng sốt, không ghi nhận có triệu chứng khóc thét, chứng tỏ không có biểu hiện bất thường do vắc-xin”.
Ông Đoàn Tấn Bửu cho biết, đối với các lô vắc xin sử dụng tiêm cho bé Trâm, lô BCG 245 được sản xuất tháng 6/2012, hạn dùng đến tháng 11/2015, đã sử dụng toàn tỉnh 5.000 liều; lô vắc xin Quinvaxem 1453266 được sản xuất ngày 10/11/2013, hạn dùng đến ngày 9/6/2016 đã sử dụng toàn tỉnh 9.000 liều. Việc đảm bảo an toàn tiêm chủng được nhân viên Trạm Y tế xã Trường Xuân thực hiện đúng quy trình và công tác bảo quản vắn xin đúng quy định.
Ông Bửu thông tin nạn nhân không có dấu hiệu sốc phản vệ nên nhận định sơ bộ nguyên nhân tử vong của bé Trâm nghi do hít sặc chất lỏng, màu trắng đục (có thể là sữa) và khi có kết quả xét nghiệm của đơn vị Kỹ thuật khoa học hình sự, Công an tỉnh sẽ có kết luận chính thức.
Tuy ngành y tế tỉnh chỉ mới đưa ra kết luận sơ bộ nghi nguyên nhân là do sặc sữa nhưng nhiều người trong gia đình bé Trâm cho rằng kết quả trên là chưa trung thực nên có phản ứng bằng việc đến Trạm Y tế xã để hỏi chuyện với bác sĩ trưởng trạm.
Thiết nghĩ, việc bé Trâm tử vong sau tiêm ngừa đã khiến cho nhiều người đau xót, nhất là gia đình của bé. Vì vậy, không riêng gì gia đình của bé mà nhiều người khác rất mong muốn các đơn vị có liên quan sớm đưa ra kết luận chính thức về nguyên nhân tử vong sau khi tiêm ngừa để họ an tâm và không còn e dè khi đưa trẻ đến trạm y tế tiêm ngừa.
PT
Bác sĩ Trương Thị Tuyết Hồng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tháp Mười: “Đối với ngành y tế, cái gì sai thì sẵn sàng thừa nhận, cái gì đúng phải bảo vệ. Đối với bé Trâm qua giải phẫu đại thể cho biết nguyên nhân ban đầu nghi là do sặc sữa. Sặc sữa là vấn đề vô cùng nguy hiểm đôi khi xảy ra ngay tại bệnh viện có khi cũng cấp cứu không kịp.
Về nguyên tắc không được pha thuốc vào sữa cho bé bú, vì nó chống chỉ định 100% do có những loại thuốc kích thích phản ứng đường hô hấp. Nếu như sặc sữa không có thuốc thì không phản ứng nhanh. Sặc sữa có thuốc sẽ đưa vào đường hô hấp, đưa vào các niêm mạc hô hấp nhanh nên rất nguy hiểm”. |