Vì sao hàng loạt cán bộ, viên chức của Trung tâm Kiểm định và Bảo dưỡng Công trình giao thông bị kỷ luật?

Cập nhật ngày: 29/03/2019 11:49:08

ĐTO - Trung tâm Kiểm định và Bảo dưỡng Công trình giao thông (KĐ&BDCTGT) Đồng Tháp trực thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Tháp. Trung tâm KĐ&BDCTGT được UBND tỉnh Đồng Tháp lập dự án đầu tư nâng cấp bến khách ngang sông Phong Hòa (tỉnh Đồng Tháp) - Ô Môn (TP.Cần Thơ). Dự án đầu tư nâng cấp bến khách ngang sông Phong Hòa - Ô Môn có tổng vốn đầu tư gần 54,5 tỷ đồng (chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng, dự phòng...) do Trung tâm KĐ&BDCTGT Đồng Tháp làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Châu thổ MeKong nhưng chủ đầu tư đã cắt hợp đồng với đơn vị thiết kế. Đơn vị tư vấn giám sát là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (QLDAĐTXDCTGT) Đồng Tháp, còn đơn vị thi công là Đội duy tu cầu thuộc Trung tâm KĐ&BD CTGT và hợp đồng thi công theo hình thức giao khoán.


1 trong 4 trụ chống va không ảnh hưởng đến an toàn công trình cầu bến nên được chấp thuận không thiết kế xây dựng lại hạng mục này

Trong quá trình thi công các hạng mục trụ chống va, trụ neo và trụ tựa Ponton (gói thầu số 8) xuất hiện dư luận có hạng mục thuộc gói thầu này bị “rút ruột”. Ngay sau khi có dư luận, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp ra quyết định thanh tra công tác thi công trụ chống va, trụ neo và trụ tựa Ponton thuộc dự án nói trên. Đoàn thanh tra làm việc với Trung tâm KĐ&BDCTGT, Ban QLDAĐTXD CTGT, đơn vị tư vấn giám sát, Đội duy tu cầu, các cá nhân có liên quan. Đồng thời tiến hành kiểm tra trực tiếp ngoài hiện trường để xác minh làm rõ vụ việc. Qua kiểm tra hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và hồ sơ dự án được duyệt nhận thấy, chủng loại vật tư thép cọc của hạng mục trụ neo, trụ tựa Ponton và trụ chống va không khớp nhau. Cụ thể: theo bản vẽ thi công thì sử dụng thép cọc H350x350, theo dự án là sử dụng thép cọc I450x200. Các hạng mục này đã thi công xong nhưng chưa có văn bản chấp thuận chủ trương của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi thiết kế. Khối lượng trong bản vẽ và dự toán bước thiết kế bản vẽ thi công cũng không khớp với nhau, điển hình khối lượng sắt I200x100 chênh lệch là 395,56kg đối với trụ va và trụ neo, còn trụ tựa là 32,6kg.

Quá trình thanh tra cũng cho thấy, việc bố trí tư vấn giám sát kỹ thuật, ông Nguyễn Thanh Nhược Thanh có chứng chỉ giám sát dân dụng được phân công giám sát các hạng mục trụ neo, trụ tựa, trụ chống va là không phù hợp, còn ông Phạm Văn Phúc cũng được phân công giám sát nhưng chưa có chứng chỉ giám sát (tại thời điểm thanh tra) theo quy định. Dù gói thầu số 8 cơ bản đã thi công xong nhưng chủ đầu tư chưa cung cấp kết quả thí nghiệm vật liệu đầu vào như thép H350x350 và thép I200x100, không có biên bản thống nhất của giám sát chủ đầu tư và giám sát thi công về việc đồng ý cho vật tư đưa vào thi công công trình.

Qua kiểm tra thực tế của đoàn thanh tra, 2 trụ chống va (phía bờ Ô Môn, TP.Cần Thơ) đã thi công đóng thiếu chiều dài cọc là 12m (thiết kế 30m, thi công thực tế 18m) tương đương với tổng giá trị thiếu gần 186 triệu đồng so với đơn giá được duyệt. Tương tự, 2 trụ chống va (phía bờ Phong Hòa, Đồng Tháp) đã thi công đóng thiếu chiều dài cọc là 6m (thiết kế 30m, thi công thực tế 24m) tương đương với tổng giá trị thiếu trên 92 triệu đồng so với đơn giá được duyệt. Đối với 4 trụ neo và 4 trụ tựa Ponton, đoàn thanh tra đã làm việc với chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, đơn vị giám sát và đơn vị thi công đều khẳng định sử dụng cọc thép H350x350 mới và đóng đủ khối lượng, kích thước theo hồ sơ thiết kế và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu thi công sai so với hồ sơ thiết kế.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng – Chánh Văn phòng Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong quá trình thi công dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp bến khách ngang sông Phong Hòa – Ô Môn, để phù hợp với tình hình thực tế công trình, chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế cho phù hợp. Tuy nhiên, gói thầu trên chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Liên quan đến vấn đề này, Sở GTVT đã báo cáo và được UBND tỉnh xem xét thống nhất chủ trương cho điều chỉnh phát sinh. Đối với việc xây dựng 4 trụ chống va (2 trụ bờ Phong Hòa, 2 trụ bờ Ô Môn) là nhằm bảo vệ công trình cầu dẫn, ngăn ngừa trường hợp các phương tiện thủy va chạm gây hư hỏng công trình trong quá trình khai thác. Đồng thời quá trình thi công có 2 trụ chưa đúng thiết kế, chủ đầu tư và tư vấn giám sát đã yêu cầu đơn vị thi công đúng hồ sơ thiết kế. Qua khảo sát thực tế cao độ hiện trạng bờ sông vị trí cầu dẫn phía 2 bờ cho thấy việc không xây dựng lại 4 trụ chống va (trước đó đoàn thanh tra kiến nghị xây dựng lại 4 trụ chống va) không ảnh hưởng đến an toàn công trình cầu bến, nên vào tháng 1/2019, Sở GTVT đã có văn bản đề xuất với UBND tỉnh không cần thiết kế xây dựng hạng mục này và cũng được UBND tỉnh chấp thuận.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng – Chánh Văn phòng Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, liên quan đến những sai phạm trong quá trình thi công dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp bến khách ngang sông Phong Hòa – Ô Môn, Sở GTVT tỉnh xử lý vi phạm cũng như kiến nghị xử lý các đơn vị liên quan. Theo đó, các ông: Tống Hữu Bình – Giám đốc Trung tâm KĐ&BDCTGT; Lý Mạnh Tùng – Phó Giám đốc Trung tâm KĐ&BDCTGT; Nguyễn Vĩnh Thuận – Trưởng phòng chất lượng, Trung tâm KĐ&BDCTGT; Nguyễn Thanh Sơn – Tổ viên, Tổ giám sát Trung tâm KĐ&BDCTGT; Lại Nguyễn Phú Cường – Chỉ huy trưởng thi công Trung tâm KĐ&BDCTGT; Đoàn Đình Khương – Trưởng tư vấn giám sát thuê; Nguyễn Thanh Nhược Thanh – Giám sát viên, đều bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền bằng hình thức từ khiển trách đến cảnh cáo do có liên quan đến những vi phạm nói trên.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn