Đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng

Vì thương rau đắng với ao nhà?

Cập nhật ngày: 04/09/2015 05:12:25

Hơn 10 năm trước, Đồng Tháp được đánh giá là địa phương đi đầu khu vực về số lượng người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Tuy nhiên, vì nhiều lý do, số lượng người đi ngày càng giảm. Từ năm 2010 trở về sau, hoạt động này gần như bị đóng băng. Ngày 10/10/2014, Tỉnh ủy Đồng Tháp ban hành Chương trình hành động về lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Gần một năm qua, hoạt động này đạt những kết quả tích cực, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.

Có nhiều hội nghị, hội thảo, nhiều bài trên các báo Trung ương và địa phương viết về những kết quả, hạn chế, nhất là nguyên nhân vì sao người lao động ở Đồng Tháp nói riêng chưa mặn mà đi XKLĐ. Bài viết này xin được lạm bàn về một khía cạnh nhỏ của nguyên nhân đó.

Mặc cảm xuất khẩu lao động là đi “ở đợ”

Ở đợ là hầu hạ người/gia đình nào đó. Ngày xưa, đi ở đợ là lựa chọn lương thiện cuối cùng vì sinh nhai. Kinh tế - xã hội phát triển, ở đợ được gọi là ở mướn, giúp việc nhà, ô sin... Thân phận của người đầy tớ xưa cũng thay đổi: được thỏa thuận tiền công, bỏ việc giữa chừng nếu không hài lòng với chủ nhà hoặc có thu nhập nơi khác cao hơn..., còn chủ nhà chỉ biết kêu trời, chạy đôn chạy đáo tìm người khác để đưa rước con đi học, chăm sóc cha mẹ già đau ốm...

Phong trào XKLĐ 10 năm trước chủ yếu nhắm đến đối tượng là người nghèo, không có việc làm thường xuyên, mục tiêu là xóa đói giảm nghèo, thị trường lao động hướng tới phần lớn là những nước có thu nhập thấp với lao động phổ thông như giúp việc gia đình, chăm sóc người già, hộ lý hoặc những ngành nghề mà người bản xứ không muốn làm. Khủng hoảng kinh tế năm 2008 làm thế giới chao đảo. Hàng loạt lao động xuất khẩu mất việc làm, phải về nước. Khổ nhất là những người mới đi, thu nhập chưa thấy đâu, nay thất nghiệp lại nợ ngân hàng. Trong tuyệt vọng, một số (nhấn mạnh: một số) kể lể về tình cảnh của người đi XKLĐ.

Tin đồn, dư luận xã hội thể hiện sức mạnh hơn hẳn các kênh tuyên truyền chính thức: đi XKLĐ là đi làm đầy tớ, thân phận như ngựa trâu nơi xứ người. Mặc cảm đó đến nay vẫn còn âm ỷ.

Tâm lý “ta về tắm nước ao ta”

Khi nghiên cứu về nguyên nhân phương Tây phát triển hơn phương Đông, có ý kiến cho rằng: do phương Tây hướng ngoại, còn phương Đông hướng nội. Trúng trật thế nào chưa biết, nhưng ở Việt Nam, lũy tre làng là biểu tượng của sự cố kết gia đình, dòng họ, làng xã, là nguồn cội tạo nên sức mạnh Việt Nam trước thiên tai và nhân tai. Dù đi đâu, làm gì, nếu có sa cơ thất thế, trở về nơi chôn nhau cắt rốn vẫn được gia đình, dòng tộc, xóm giềng cưu mang, dù đói khổ cũng hui hút có nhau, vẫn còn rau đắng mọc sau hè để mưu sinh qua ngày đoạn tháng; chứ còn gả con xa thì biết đường đâu mà về khi chỉ nghe chim kêu vượn hú. Nôm na: ta về tắm ao ta.

Trở lại chuyện ở đợ

Cái sự ở đợ thời nay khác xưa về hình thức; nhưng không thể phủ nhận một trong những nguyên nhân, thậm chí chủ yếu là vì sinh kế. Theo đó, dù làm cơ quan nhà nước, nhà máy, xí nghiệp, thậm chí làm ruộng thì về bản chất mỗi người chúng ta đều đang ở đợ, làm đầy tớ. Làm cán bộ là đầy tớ của nhân dân. Làm công nhân trong nhà máy là đầy tớ của chủ doanh nghiệp (phải đúng giờ giấc, nội qui, nếu không bị trừ lương hoặc bị đuổi việc). Xót xa nhất có lẽ là thân phận đầy tớ của người nông dân bởi có quá nhiều ông chủ: ông Trời (thời tiết, lũ lụt, dịch bệnh...); ông cung ứng giống, vật tư, tín dụng; ông tiêu thụ sản phẩm... và còn những ông chủ khác: xăng dầu, điện lực...

Nếu thống nhất bản chất ở đợ trước hết là vì sinh kế; ngày nay đi đâu, làm gì cũng là ở đợ, thì câu hỏi đặt ra là: tại sao không đi XKLĐ, một kiểu ở đợ nhưng không phải làm đầy tớ với thân phận ngựa trâu như tin đồn, dư luận trước đây bởi được nhà nước bảo hộ; không phải là xóa đói giảm nghèo mà là để khá giàu...?

Đi XKLĐ, được chắc chắn nhiều hơn mất.

Thị trường lao động Nhật Bản được đánh giá là tốt nhất hiện nay, với mức lương cơ bản của lao động phổ thông từ 25-30 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt có thể tích lũy được khoảng 15 triệu đồng (chưa tính làm thêm); đối với kỹ sư, kỹ thuật viên, mức thu nhập trên 45 triệu đồng.

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, Nguyễn Long Vân ở xã Hòa An, TP.Cao Lãnh, trước đây làm việc tại Trung tâm với mức lương khoảng 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi xuất khẩu lao động sang Nhật, thu nhập của Vân tương đương 35 triệu đồng; sau 5 năm, có thể tích lũy khoảng 1,6 tỷ đồng. Một trường hợp khác là kỹ sư cơ khí Nguyễn Phúc Thịnh ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, làm việc tại Nhật Bản 10 năm, hiện thu nhập xấp xỉ 90 triệu đồng/tháng.

Ở Malaysia, lao động xuất khẩu chỉ cần tốt nghiệp THCS, làm những nghề phổ thông cũng có lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng.

Đó là cái được về thu nhập ở nước sở tại. Khi trở về Việt Nam, người lao động với tay nghề, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật, trình độ ngoại ngữ, hiểu biết về văn hóa... đã học được sẽ đễ dàng tìm việc làm tại các công ty của quốc gia mà mình đã đi xuất khẩu lao động, hoặc có thể làm hướng dẫn viên du lịch, dịch thuật, tư vấn...

Còn cái mất, chỉ là không còn được tự do ăn ngủ, sinh hoạt như còn ở nhà, bởi phải khép mình vào kỷ luật của công ty, pháp luật của quốc gia mà mình đến làm việc.

Trong khi đó, ở xứ mình hiện nay, nếu làm lúa 3 vụ/năm thì thu nhập tối đa 80 triệu đồng/ha/năm. Trung bình được 6,6 triệu/tháng - với điều kiện phải có 1ha đất, sản xuất giỏi, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, thời tiết thuận hòa, giá cả ổn định. Còn việc biết thêm một ngoại ngữ, hiểu văn hóa của quốc gia nào đó là chuyện xa vời.

Ngày nay, rau đắng mọc sau hè có lẽ vẫn còn nhưng trở nên khó kiếm, còn ao nhà đã chật chội, bởi sự hòa nhập vào kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng; ví dụ cụ thể là giá nhiều loại nông sản như gạo, cá tra, tôm, xoài... do thị trường thế giới quyết định.

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Rau đắng mọc sau hè, ao nhà vẫn giữ, nhưng phải vươn ra sông cái, ra biển lớn, để làm giàu cho bản thân cả về kinh tế và kiến thức, để góp vào thắng lợi của mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh”.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn