Việc làm và thu nhập

Cập nhật ngày: 12/08/2015 12:20:50

Các bậc làm cha, làm mẹ đều mong ước cho con khi lớn lên có được việc làm ổn định, thu nhập cao và có gia đình hạnh phúc. Mong ước đó là chính đáng, nhưng không phải tự nhiên có được mà phải tìm phương cách hợp lý, kiên trì thực hiện mới tạo dựng được.

Luật việc làm của Việt Nam có đưa ra khái niệm việc làm rất rõ ràng: “Mọi hoạt động lao động của con người, tạo ra sản phẩm và thu nhập mà không bị pháp luật cấm gọi là việc làm”. Qua đó, ai cũng có thể nhận biết mình có việc làm hay không và việc làm đó có được bảo đảm thường xuyên hay không, nhưng thu nhập của mọi người là phạm trù khác gắn với việc làm.

 Người nghèo, người giàu suy cho cùng cũng từ việc làm và thu nhập mà ra. Tôi xin kể câu chuyện 2 người muốn làm giàu và đang đi trên con đường làm giàu cho bản thân và gia đình.

Một là Nguyễn Quang Thái (SN 1985), quê quán thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành. Thái sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề nông, có 3 anh em. Thái học xong đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, xin được việc làm là nhân viên tư vấn việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Đồng Tháp. Với mức lương cơ bản của sinh viên mới ra trường, cộng thu nhập tăng thêm, hàng năm Thái thu nhập 66.246.000 đồng. Thu nhập của Thái có thể gọi là ổn, nhưng cũng chỉ tạm đủ sống. Nhờ làm việc ở Trung tâm DVVL mà Thái biết rất rõ hiệu quả của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gọi là xuất khẩu lao động (XKLĐ). Với ý chí và quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, Thái xin Trung tâm cho đăng ký XKLĐ Hàn Quốc và ước muốn đó thành hiện thực khi em trúng tuyển đi Hàn Quốc. Thu nhập hiện nay của Thái khoảng 32 triệu đồng/tháng. Thái làm việc lần đầu tại Hàn Quốc tới 4 năm 10 tháng. Theo tính toán của chúng tôi, sau 4 năm 10 tháng làm việc tại Hàn Quốc, Thái sẽ tích lũy được 1,2 tỷ đồng.

Trường hợp thứ 2 là Nguyễn Long Vân, con thứ trong gia đình có nhiều khó khăn, cha mẹ tạm trú tại xã Hòa An, TP.Cao Lãnh. Vân tốt nghiệp cao đẳng nghề tại Trung tâm DVVL và được Trung tâm nhận vào làm việc từ ngày 27/7/ 2013, thu nhập mỗi năm 63.600.000 đồng, tức mỗi tháng khoảng 5,3 triệu đồng. Từ chủ trương tái khởi động hoạt động XKLĐ của tỉnh, Vân xin Trung tâm cho thôi việc và xin lên Công ty Nhật Huy Khang học tiếng Nhật và xuất cảnh ngày 28/5/2015, làm việc tại xưởng cơ khí của Công ty FHI ở tỉnh FUGSA miền trung Nhật Bản, thu nhập khoảng 35 triệu đồng/tháng và Long Vân có thời gian làm tại Nhật Bản là 5 năm. Với thu nhập này, sau 5 năm nữa Long Vân sẽ tích lũy khoảng 1,6 tỷ đồng và tất nhiên là vốn tiếng Nhật của Vân sẽ rất lưu loát, kỹ năng nghề sẽ rất cao nhờ 5 năm làm ở Nhật. Với tay nghề, kinh nghiệm sống làm việc ở Nhật thì khi về Việt Nam, Long Vân sẽ dễ dàng tìm việc làm ở công ty Nhật Bản tại Việt Nam với mức thu nhập không dưới 20 triệu/tháng, chắc chắn cái nghèo sẽ không còn đeo bám Long Vân trong thời gian tới.

Đi làm việc ở nước ngoài hiện nay đang là xu hướng mới, tốt dành cho lao động Đồng Tháp; đây là cách dễ thực hiện nhất, nếu chúng ta có ý chí và quyết tâm. Kể lại câu chuyện 2 cán bộ, viên chức ở Trung tâm là tôi muốn gợi ý cho các bậc cha mẹ và lao động xem xét, chọn lựa hướng đi lập nghiệp cho con mình và đừng cho nghèo là số phận.

Băng Sơn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn