Xây dựng con người Đồng Tháp phát triển toàn diện

Cập nhật ngày: 02/01/2017 16:36:42

Vấn đề văn hóa và con người luôn được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng và chỉ đạo xuyên suốt. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã kịp thời đưa ra các giải pháp mới về xây dựng nền văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong tình hình mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế đã tác động sâu sắc đến các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Đại hội XII của Đảng cũng tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, đồng thời xác định rõ con người Việt Nam phát triển toàn diện là con người “Đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khỏe về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật”.


Tiết mục múa “Đồng Tháp đất Sen hồng”. Ảnh: H.Dũng

Quán triệt quan điểm đó, trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ IX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, nhiệm vụ đầu tiên được Tỉnh ủy Đồng Tháp xác định là: Xây dựng con người Đồng Tháp phát triển toàn diện với các phẩm chất: “Yêu nước, đạo đức, lối sống tốt đẹp, phát triển về trí tuệ, thể chất, năng lực lao động, ý thức công dân, có lối ứng xử văn hóa, trọng nghĩa, khoan dung, có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ”, “Trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội”.

Môi trường văn hóa tạo nên nhân cách con người. Môi trường văn hóa lành mạnh sẽ góp phần giáo dục, rèn luyện nhân cách, lối sống cho con người. Do đó, tại kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành là hướng các hoạt động văn hóa vào việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để góp phần xây dựng con người Đồng Tháp phát triển toàn diện với những nội dung:

Nâng cao văn hóa ứng xử, đề cao tính gương mẫu trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đạo đức, lối sống.

Triển khai quan điểm “Chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”, trong toàn bộ hoạt động về công tác gia đình và xây dựng đời sống văn hóa “Lấy con người làm trọng tâm”; cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người ở từng địa phương, cơ quan, tổ chức.

Tập trung thực hiện công tác gia đình với khẩu hiệu “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.

Tạo cơ hội và điều kiện để mọi người dân tự nguyện tham gia phát triển văn hóa, tích cực sáng tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa nổi bật.

Tích cực quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa từ cấp tỉnh đến cơ sở; có chế độ đãi ngộ tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Chú trọng công tác khen thưởng để tôn vinh những gia đình, khóm, ấp, xã, phường, thị trấn văn hóa tiêu biểu giữ vững danh hiệu 10 năm trở lên nhằm khích lệ và bảo đảm phong trào phát triển bền vững.

Qua 2 năm thực hiện, kết quả bước đầu đạt được phải kể đến chính là việc các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã chú trọng nhiệm vụ xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện- mỹ; xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao luôn được cấp ủy, chính quyền tạo mọi điều kiện để phát triển.

Một chuyển biến tích cực nữa đó là việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, khu dân cư và mỗi gia đình thực sự là môi trường văn hóa lành mạnh để hình thành nhân cách con người.

Nhằm khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa chấp hành nghiêm các quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị... làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, tác phong, uy tín của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức không được uống rượu, bia trong giờ hành chính và buổi trưa các ngày làm việc, ngày trực; gương mẫu chấp hành và thực hiện nghiêm pháp luật về an toàn giao thông. Chủ trương trên đã được các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên đồng tình và thực hiện nghiêm túc, tạo được sự đồng thuận cao từ phía người dân. Nếp sống văn minh, môi trường văn hóa được xây dựng, phát triển và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Ngành văn hóa đã tập trung rà soát, kiểm kê, khôi phục và tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó có việc phục hồi và phát triển Hò Đồng Tháp. Nhiều lớp tập huấn hò và sáng tác lời mới hò Đồng Tháp được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hoặc phối hợp với các sở, hội, đoàn thể trong tỉnh tổ chức, phát triển phong trào hò Đồng Tháp rộng khắp trong lực lượng giáo viên, đoàn viên, hướng dẫn viên du lịch, công chức, viên chức, chiến sĩ... gắn với quảng bá hình ảnh con người và quê hương Đồng Tháp. Toàn tỉnh duy trì hoạt động 251 câu lạc bộ đờn ca tài tử, 62 câu lạc bộ hát với nhau, hàng năm sinh hoạt khoảng 1.600 buổi, thu hút 268.500 lượt người xem.

Có thể nhận thấy rằng, chính sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể; việc phối kết hợp thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW với các kết luận, chỉ thị, nghị quyết, chương trình khác của tỉnh và Trung ương một cách đồng bộ, chặt chẽ chính là những yếu tố quan trọng giúp tỉnh Đồng Tháp thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Tháp đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Bên cạnh đó, việc tận dụng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và đề ra những giải pháp thực hiện Nghị quyết dựa vào tính cách đặc trưng của người dân đất Sen hồng là một trong những yếu tố quan trọng để đưa Nghị quyết 33-NQ/TW đi sâu vào cuộc sống.

Năm 2016, toàn tỉnh có 88,95% hộ gia đình đạt chuẩn Gia đình văn hóa; 115/115 khóm đạt chuẩn văn minh đô thị; 586/586 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa nông thôn mới; 72% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 97,48% xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới; 95,87% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 76,06% chợ đạt chuẩn chợ văn minh hạng II và hạng III.

Nguyễn Ngọc Thương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn