Huyện Cao Lãnh

Xây dựng nông thôn mới bằng lợi thế nông nghiệp

Cập nhật ngày: 30/08/2013 05:25:15

Sau khi tiếp thu Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, Huyện ủy Cao Lãnh đã ban hành chương trình hành động thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM).

Xác định công tác tuyên truyền là một trong những điểm quan trọng để người dân đồng hành cùng chương trình, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo triển khai quán triệt sâu rộng trong cán bộ đảng viên, hội viên, đoàn thể chính trị và nhân dân trên 3.000 cuộc, tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động của người dân địa phương. Theo thống kê của huyện, ngoài việc doanh nghiệp tài trợ 850 triệu đồng xây dựng công trình xã Tân Nghĩa, thì tổng tiền huy động sức dân của huyện lên đến gần 30 tỷ đồng.


Chanh là một trong những sản phẩm trái cây chủ lực của huyện

Theo thống kê, đến nay có 8 xã đạt từ 10-11 tiêu chí, 8 xã đạt 7-8 tiêu chí và 1 xã đạt 9 tiêu chí xây dựng NTM. Song song đó, huyện hoàn thành công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng NTM, đã công bố và triển khai thực hiện quy hoạch đề án xã NTM cho 10/17 xã.

Phát huy thế mạnh của một huyện nông nghiệp bằng sản xuất lúa, thủy sản và cây ăn trái, theo đó huyện tập trung phát triển hàng hóa theo hướng tập trung; điều chỉnh cơ cấu cây trồng thời vụ phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và quản lý tốt dịch bệnh, chủ động sử dụng lúa chất lượng cao, áp dụng cơ giới hóa sản xuất nhằm hướng tới tăng thu nhập cho người dân. Trong vụ đông xuân vừa qua, huyện triển khai thực hiện mô hình cánh đồng liên kết sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ được 193ha tại Gáo Giồng, Tân Nghĩa...

Sản xuất thủy sản cũng là một trong những thế mạnh của địa phương, tăng trưởng với tốc độ khá trên cả 3 lĩnh vực: năng suất, chất lượng, hiệu quả, với diện tích nuôi 1.600ha, sản lượng đạt trên 63.000 tấn, tăng gần 14.000 tấn. Đồng thời, huyện phát huy thế mạnh về cây ăn trái qua sản phẩm xoài cát đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Để sản phẩm phát triển bền vững, địa phương xây dựng và hoàn thành nhãn hiệu hàng hóa, thành lập hợp tác xã xoài, hướng tới sản xuất xoài theo quy trình sản phẩm sạch, an toàn Viet Gap, Global Gap. Theo đó, huyện đã thành lập được những Hợp tác xã (HTX) cho các sản phẩm chủ lực khác như: chanh Bình Thạnh, cá điêu hồng... nhằm từng bước phát triển sản xuất hợp tác, định hướng đầu ra của sản phẩm.

Một trong những bước đi hiện nay của ngành nông nghiệp là hướng đến liên kết tiêu thụ sản phẩm mà nhân tố cấu thành sự thành công là các HTX, doanh nghiệp. Theo bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh, trong liên kết sản xuất thời gian tới huyện sẽ mời các doanh nghiệp, nhà khoa học cùng các sở, ngành liên quan để tìm hướng phối hợp tiêu thụ lúa gạo, cá tra, sản phẩm đặc trưng đạt hiệu quả, tốt hơn, theo đó đẩy mạnh kiện toàn các HTX đúng hướng với tinh thần của liên kết tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Trong thời gian tiếp nhận thực hiện Nghị quyết 02, huyện đã thực hiện tốt công tác tổ chức, xây dựng kết cấu hạ tầng, gắn kết với người dân để người dân đồng hành cùng chương trình... Theo đó, huyện cần tổ chức lại sản xuất cho từng loại sản phẩm. Hiện nay, huyện chỉ dừng lại mô hình việc liên kết vì thế cần đánh giá lại, rút kinh nghiệm trong thực hiện, trong liên kết tiêu thụ để tìm hướng giải quyết. Đồng thời đặt những thành phần trong liên kết hợp tác đúng vị trí, tạo nên chuỗi giá trị trong sản xuất”.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn