Tân Hồng

Xây dựng nông thôn mới còn nhiều trở ngại

Cập nhật ngày: 06/05/2016 13:54:02

Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo nông thôn ở huyện biên giới Tân Hồng ngày càng đổi thay, đời sống người dân từng bước được cải thiện, tuy nhiên, để hoàn thành lộ trình đúng thời gian vẫn là bài toán khó.


Trồng xen mè giữa hai mùa lúa giúp nông dân tăng thu nhập

Là huyện biên giới nằm ở phía Bắc của tỉnh Đồng Tháp, Tân Hồng được xem là một trong những huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh. Trong XDNTM, Tân Hồng có xuất phát điểm khá thấp nhưng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, bộ mặt vùng biên thay đổi rõ rệt. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được kết nối với những tuyến, trục giao thông chính của tỉnh, huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển giao thương.

Anh Nguyễn Văn Lớn  ngụ ấp Thành Lập, xã Tân Công Chí tâm sự: “Trước đây khi đoạn lộ làng ở ấp chưa xây dựng, việc di chuyển từ nhà đến đường lớn của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa lũ. Vì vậy, khi UBND xã vận động hiến đất làm lộ làng, tôi đã mạnh dạn hiến hơn 400m2 và vận động anh em dòng họ cùng hiến đất làm đường. Kể từ ngày tuyến đường này hoàn thành, 2 đứa con của tôi đi học rất thuận tiện, việc vận chuyển hàng hóa cũng tiện lợi hơn”.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mô hình hay trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng được địa phương đẩy mạnh chuyển giao cho nông dân. Từ đó giúp nông dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nông dân sản xuất hiệu quả, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, địa phương cũng đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết, làm cầu nối giúp nông dân kết nối với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra và đầu vào, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập...

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, địa phương cũng đang gặp nhiều trở ngại trong việc hoàn thành các chỉ tiêu XDNTM. Ông Nguyễn Văn Tài - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Hồng cho biết, khó khăn nhất trong XDNTM ở Tân Hồng là hoàn thành tiêu chí về môi trường và nhà ở, bởi phần lớn đời sống người dân còn khó khăn, tỷ lệ cầu tiêu ao cá, chất thải trong chăn nuôi còn phổ biến. Do đời sống kinh tế khó khăn nên người dân chưa chú ý đến việc đầu tư xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi bài bản, đúng chuẩn. Để tháo gỡ khó khăn này, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyền truyền để người dân nâng cao ý thức, huyện còn phối hợp với các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho vay ưu đãi để làm túi biogas, nhà vệ sinh tự hoại... Hiện nay, cách làm này đang phát huy hiệu quả, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới để tháo gỡ những khó khăn mà Tân Hồng đang vướng phải.

Tính đến hết quý I năm 2016, toàn huyện có 2 xã đạt từ 16 - 17 tiêu chí (xã Tân Công Chí và Phú Thành B); 5 xã đạt từ 10 - 11 tiêu chí và 1 xã đạt 9 tiêu chí. Tổng nguồn lực huy động để XDNTM trong quý I năm 2016 đạt trên 78 tỷ đồng. Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020 huyện sẽ chọn xã Tân Hộ Cơ và An Phước là 2 xã điểm để tập trung nguồn lực XDNTM.

Theo ông Võ Thanh Dũng - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, để tháo gỡ những khó khăn hiện tại, huyện Tân Hồng cần tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tự nhận thức vai trò, trách nhiệm, cùng vào cuộc tham gia với chính quyền địa phương. Chỉ có nội lực của địa phương, sự đồng lòng của chính quyền và người dân thì lộ trình XDNTM ở vùng biên mới được rút ngắn.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn