Phát huy vai trò lãnh đạo, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ về cải cách hành chính
Cập nhật ngày: 10/09/2024 10:24:20
ĐTO - UBND tỉnh luôn xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là khâu đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hình ảnh địa phương, đặc biệt là quan điểm rõ ràng, nhất quán trong việc xây dựng chính quyền thân thiện, kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp để tạo lợi thế cạnh tranh của tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, công tác CCHC cũng thể hiện tính năng động, tiên phong và trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.
Qua kết quả thực hiện các nhiệm vụ CCHC trong những tháng đầu năm 2024, trong đó, có các Chỉ số: PAPI, PAR Index, SIPAS tỉnh Đồng Tháp và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đánh giá công tác CCHC của tỉnh đã được triển khai tích cực, đồng bộ trên 6 lĩnh vực cải cách, góp phần nâng cao hình ảnh địa phương, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh ưu tiên giải quyết ngay những vấn đề nóng, cấp bách, khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp
Để công tác CCHC trong những tháng cuối năm 2024 và thời gian tới đạt kết quả tốt, tạo thuận lợi và đáp ứng nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, các Ủy viên UBND tỉnh và Chủ tịch UBND 12 huyện, thành phố tập trung thực hiện một số nội dung. Cụ thể, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, đảm bảo hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về CCHC được giao trong năm 2024 tại từng ngành, địa phương, nhất là nhiệm vụ được giao trong việc thực hiện các Chỉ số: PAPI, PAR, SIPAS... của tỉnh. Trong đó, khẩn trương rà soát, xác định rõ những điểm nghẽn đang cản trở hoạt động CCHC, đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ; ưu tiên giải quyết ngay những vấn đề nóng, cấp bách, khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, tổ chức, hướng đến giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn, quá hạn, giảm thời gian đi lại, chờ đợi và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức, nhất là đối với lĩnh vực đất đai. Lãnh đạo các ngành, địa phương phải thường xuyên đến các Bộ phận Một cửa để lắng nghe, kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh, ngăn ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực; kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị về TTHC, tránh gây bức xúc, tạo dư luận không tốt.
Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra quy trình xử lý văn bản tại từng cơ quan, đơn vị, địa phương để hạn chế thấp nhất tình trạng tồn đọng và tìm giải pháp cắt giảm số lượng văn bản hành chính. Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên đánh giá hiệu quả hoạt động Trung tâm Chuyển đổi số và các Trung tâm điều hành đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, trong đó chú ý việc xây dựng, kết nối, cập nhật dữ liệu thống nhất, đồng bộ và vấn đề an toàn, an ninh và bảo mật thông tin để tránh lọt, lộ bí mật Nhà nước.
Bên cạnh đó, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác, nhất là đối với công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết TTHC. Chú trọng nâng cao đạo đức công vụ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong đó, chú ý bố trí cán bộ đảm bảo năng lực và phẩm chất đạo đức vào những vị trí thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp để thực hiện tốt văn hóa ứng xử, hướng dẫn tận tình, giải thích cụ thể...
Nhật Anh