Triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ đánh giá cán bộ, công chức, viên chức

Cập nhật ngày: 28/01/2015 13:24:45

Năm 2014, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) ở Đồng Tháp có mới hơn so các năm trước, do thực hiện Công văn 4393/BNV-CCVC, ngày 17/10/2014 của Bộ Nội vụ về việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức. Công văn đã chuyển tải nhiều nội dung mới về đánh giá CBCCVC mà Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ để ban hành Nghị định, hơn một tháng nay các nơi đang tiến hành theo trình tự thủ tục và các cấp đang chờ kết quả. Tuy nhiên, nhìn lại kết quả đánh giá công chức năm 2013 ở Đồng Tháp về mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: công chức ở cấp tỉnh có tỉ lệ là 40,63%, cấp huyện là 36,15%, cấp xã là 31,20%; hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cấp tỉnh là 55,45%, cấp huyện là 61,52%, cấp xã là 61,63%. Như vậy, số công chức được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ rất ít.


Cán bộ, công chức có thể kiểm tra việc thực thi công vụ của nhau một cách dân chủ, công khai. 
Ảnh: Thanh Phong

Sau nhiều tháng thực hành thử nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào đánh giá công chức, ngày 19/1/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định số 79/UBND-HC về việc quy định thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá CBCCVC trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh; UBND và các phòng, ban cấp huyện, (trừ Công an và Quân sự). Các đối tượng là giám đốc, các phó giám đốc sở (tương đương); thủ trưởng, các phó thủ trưởng đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và chủ tịch, các phó chủ tịch UBND cấp huyện; các trưởng phó phòng (tương đương) và công chức thuộc các sở, ban, ngành tỉnh; các viên chức làm việc hành chính trong các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh; các trưởng phó phòng, ban và công chức thuộc UBND cấp huyện.

Thời gian đánh giá, 6 tháng một lần đối với các đối tượng thuộc các chức danh giám đốc, các phó giám đốc sở (tương đương); thủ trưởng, các phó thủ trưởng đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và chủ tịch, các phó chủ tịch UBND cấp huyện. Các đối tượng còn lại, mỗi tháng đánh giá một lần.

Với thang điểm 100, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải đạt từ 80 điểm trở lên; hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 60 đến dưới 80 điểm; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (đối với cán bộ, công chức), hoàn thành nhiệm vụ (đối với viên chức) đạt từ 50 đến dưới 60 điểm; không hoàn thành nhiệm vụ: dưới 50 điểm.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý CBCCVC có kết luận kết quả đánh giá cuối cùng và thông báo đến CBCCVC.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đánh giá CBCCVC trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có thể khái quát một số tính chất và yêu cầu như: chuyển tải toàn bộ nội dung cuộc họp về đánh giá cán bộ, công chức lên phần mềm tin học; đánh giá theo kết quả công việc; thủ trưởng và tất cả công chức có thể kiểm tra việc thực thi công vụ của nhau một cách dân chủ và công khai qua môi trường mạng; có số điểm, có vận dụng quy định của địa phương. Đặc biệt là sau một thời gian thực hiện đánh giá trên phần mềm sẽ giúp Chủ tịch UBND tỉnh xác định ngay một cách chính xác, khoa học về số biên chế hành chính cần có đối với một cơ quan, địa phương, đơn vị. Đồng thời thủ trưởng các cơ quan, lãnh đạo địa phương, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp sẽ xác định vị trí việc làm một cách rõ ràng, cụ thể. Kết thúc thời điểm đánh giá, từng cấp có thẩm quyền (quản trị mạng) sẽ biết ngay kết quả đánh giá đối với CBCCVC thuộc quyền.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá công chức không nhằm loại bỏ công chức nào mà là giúp thủ trưởng từng cấp có trách nhiệm điều chỉnh việc làm lẫn nhau trong nội bộ một cơ quan, đơn vị và qua môi trường mạng sẽ tạo điều kiện cho mọi người thi đua làm việc cả về năng suất và kết quả làm việc của mình.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá CBCCVC trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là việc làm mới, đáp ứng được nhu cầu dân chủ, công khai; cấp dưới có quyền đánh giá cấp trên mà không sợ trù dập; nhất là đáp ứng Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: “...Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ”.

Phan Văn Tiếu

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn