Làng nghề đan lọp tép vào mùa

Cập nhật ngày: 13/09/2013 05:01:55

Hàng năm, từ tháng 6 âm lịch trở đi, khi nước từ thượng nguồn đổ về cũng là lúc làng nghề đan lọp tép ở xã Hòa Long, huyện Lai Vung bắt đầu hoạt động hết công suất để phục vụ cho nhu cầu đánh bắt của người dân trong mùa nước nổi.


Làng nghề đan lọp tép ở Lai Vung

Năm 2003, nghề đan lọp tép xã Hòa Long được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận làng nghề truyền thống. Hơn 40 năm qua, nghề đan lọp tép đã trở thành nghề sản xuất của gần 300 hộ dân, với khoảng 2.000 nhân công lao động, tập trung nhiều ở 3 ấp: Long Bình, Long Hội và Long Phú. Mỗi năm, làng nghề cho ra thị trường khoảng 600.000 cái lọp. Nhờ đặc điểm là nghề thủ công nên sản xuất lọp tép có thể giải quyết việc làm cho nhiều thành phần lao động.

Với thương hiệu làng nghề truyền thống, các hộ dân làm lọp tép có được những mối hàng lớn từ các tỉnh lân cận thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kể cả một số tỉnh Đông Nam bộ.

Theo các chủ sản xuất lọp ở làng nghề, giá nguyên liệu năm nay tăng khoảng 30%. Cụ thể, dây dệt lọp 65.000 đồng/kg, tre 30.000 đồng/cây, kẽm 28.000 đồng/kg... Vì thế, giá lọp cũng tăng hơn từ 2.000-3.000 đồng/cái. Chị Trần Thị Mỹ ngụ ấp Long Bình, xã Hòa Long chia sẻ: Gia đình chị có khoảng 15-16 năm trong nghề đan lọp tép. Nghề này chủ yếu lấy công làm lời và tận dụng thời gian lúc nông nhàn. Mỗi tháng, gia đình chị làm ra gần 500 cái lọp tép (giá từ 12.000 - 13.000 đồng/cái), sau khi trừ tất cả các chi phí, còn lời 3-4 triệu đồng.

Để nghề đan lọp phát triển hơn, ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Chủ tịch xã Hòa Long cho biết: “Nhiều năm qua, UBND xã cũng thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội phát vay cho những hộ nghèo đang theo nghề đan lọp số tiền 3-5 triệu đồng, khoảng gần 400 hộ được vay vốn, với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng. Ngoài ra, nhằm tạo thêm động lực cho người dân phát triển nghề truyền thống, UBND xã Hòa Long đã có nhiều chính sách hỗ trợ về kỹ thuật cho người dân nâng cao tay nghề, sản xuất ra nhiều sản phẩm. Từ đó, tạo điều kiện cho việc phát triển mạnh làng nghề đan lọp truyền thống, thu hút thêm nhiều lao động, tăng thêm thu nhập gia đình”.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn