Ngành ngân hàng đồng hành cùng sự phát triển doanh nghiệp
Cập nhật ngày: 27/10/2024 20:49:41
ĐTO - Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp (NHNN-ĐT) đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Á Châu, chi nhánh Đồng Tháp
Theo NHNN-ĐT, trong những tháng đầu năm 2024, đơn vị chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần hạn chế tín dụng đen; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt...
Cụ thể, đến ngày 30/9/2024, huy động tiền gửi toàn tỉnh đạt 70.017 tỷ đồng, so với cuối năm 2023 tăng 1.727 tỷ đồng, tăng 2,53%; dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 114.372 tỷ đồng, so với cuối năm tăng 7.539 tỷ đồng, tăng 7,06%, nợ xấu tiếp tục được kiểm soát, chiếm 1,22%/tổng dư nợ.
Trong đó, tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 74.142 tỷ đồng, tăng 1.891 tỷ đồng so với cuối năm 2023, chiếm trên 64% tổng dư nợ.
Từ nay đến cuối năm 2024, ngành Ngân hàng Đồng Tháp triển khai tích cực, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trên cơ sở bám sát nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Nghị quyết, Kết luận, chương trình hành động, kế hoạch của địa phương; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, đặc biệt Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg.
Bên cạnh đó, tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn trong tiếp cận vốn tín dụng; kịp thời hỗ trợ, giải đáp thắc mắc, tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như phòng chuyên môn huyện làm đầu mối tham mưu lựa chọn hợp tác xã điểm trong sản xuất, kinh doanh để hướng dẫn, hoàn thiện, đáp ứng các điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng; phối hợp với các sở, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp và UBND các huyện, thành phố kết nối, tổ chức hội nghị, các buổi làm việc với các hình thức phù hợp để tạo cơ hội gặp gỡ, nắm thông tin, trao đổi thẳng thắn, đầy đủ hơn từ phía doanh nghiệp, hợp tác xã để kịp thời giải đáp, tháo gỡ.
Ngành ngân hàng cũng tiếp tục thực hiện các chủ trương về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng…; tổ chức hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn các địa phương; triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng công tác thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…
Nhật Nam