Trường Đại học Đồng Tháp
Cặp đôi tiến sĩ trẻ “thoát nghèo” nhờ nghiên cứu khoa học
Cập nhật ngày: 22/04/2015 13:54:53
Là một trong 10 cặp vợ chồng tiến sĩ trẻ tiêu biểu của Trường Đại học (ĐH) Đồng Tháp, vợ chồng tiến sĩ Vật lý Huỳnh Vĩnh Phúc và tiến sĩ Sinh học Hoàng Thị Nghiệp có quá trình phấn đấu học tập và thành tích nghiên cứu khoa học công nghệ với sự nỗ lực, đầu tư trí tuệ, công sức thật đáng ghi nhận.
Tiến sĩ Hoàng Thị Nghiệp và Tiến sĩ Huỳnh Vĩnh Phúc tại buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 2012
Thua keo này, ta bày keo khác
Đã làm công tác giảng dạy ở đại học thì phải học tập để nâng cao trình độ, việc này làm được càng sớm càng tốt. Quan niệm như vậy nên năm 2007, giảng viên Huỳnh Vĩnh Phúc xin đi làm nghiên cứu sinh tại ĐH Huế. Ngay năm sau, giảng viên Hoàng Thị Nghiệp cũng làm hồ sơ dự thi, tiếp bước theo chồng. Không may, đúng ngày đi thi đầu vào, giảng viên Hoàng Thị Nghiệp lúc đó đang mang thai, bác sĩ khuyến cáo không được di chuyển bằng bất cứ phương tiện gì. Vậy là kế hoạch tạm thời bị bỏ lỡ, phải làm đơn cam kết với ĐH Huế xin nghỉ thi.
Nhớ lại khi ấy, chị Nghiệp cho biết mình buồn ghê gớm, rồi tự nhủ lòng “thua keo này ta bày keo khác”. Năm 2009, con nhỏ vừa 4 tháng tuổi, nữ giảng viên trẻ quyết tâm gửi bé nhờ bà ngoại chăm để ra Huế ôn tập để được làm nghiên cứu sinh.
“4 năm với khó khăn bộn bề vì học xa, con quá nhỏ, tài chính lại eo hẹp. Cứ đến đợt đi học, hai vợ chồng lên xin nhà trường ứng tiền, ứng mãi, ứng mãi cho đến ngày bảo vệ xong, con số tạm ứng của trường lên tới gần 150 triệu đồng. Nhưng cuối cùng, gian khó cũng được bù đắp khi năm 2012, cả hai vợ chồng cùng được nhận học vị tiến sĩ, yên tâm làm việc để “trả nợ” cho trường, cho tỉnh Đồng Tháp.” - giảng viên Hoàng Thị Nghiệp kể lại.
“Thoát nghèo” nhờ nghiên cứu khoa học
Nỗ lực nhận được học vị tiến sĩ, nhưng với Phó Trưởng khoa Sư phạm Vật lý Huỳnh Vĩnh Phúc, đó mới chỉ là khởi đầu cho việc nghiên cứu khoa học. Thầy Phúc cho biết: Tôi từng tự hỏi, làm khoa học và học tiến sĩ cái nào khó hơn; rồi lại tự trả lời: Cái nào cũng khó, nhưng học tiến sĩ có thầy hỗ trợ, còn làm khoa học thì phần lớn phải tự lực.
Tận dụng mọi thời gian có thể cho nghiên cứu khoa học, bao công sức đầu tư, thai nghén, cuối cùng chỉ trong 2 năm (2012 – 2013), vợ chồng tiến sĩ Huỳnh Vĩnh Phúc liên tiếp trúng thầu hai đề tài cấp Bộ và một đề tài Nafosted. Không chỉ là niềm vinh dự của bản thân, phần nhỏ góp thêm công sức vào xây dựng thương hiệu cho Trường ĐH Đồng Tháp, thành quả này còn giúp trang trải một phần kinh tế cho gia đình.
Thầy Phúc nói vui: Chúng tôi thường nói đùa với nhau, làm khoa học cũng giống như coi bóng đá. Khi ý tưởng thăng hoa, khi bài báo được hoàn thành, được nhận đăng, được xuất bản; khi đề tài được phê duyệt thì tác giả cũng làm đủ các động tác ăn mừng như vừa nhảy, vừa hét, vò đầu, bứt tóc,... giống như cổ động viên ăn mừng khi đội mình yêu thích ghi bàn thắng vậy.
Đồng nghiệp trong trường thường đùa vui và khen vợ chồng nhà Phúc - Nghiệp giàu lên nhờ khoa học. Tiến sĩ Nghiệp, nay đã là Trưởng bộ môn khoa Sư phạm Hóa - Sinh, thì hay “cãi” lại: “Không phải giàu lên nhờ khoa học, mà nhờ khoa học nên tụi em “tuyên bố thoát nghèo”. Như vậy, làm khoa học có thể coi là động cơ tích cực, mà khi đã có động cơ tích cực, người ta chắc chắn sẽ làm việc tốt hơn; mong rằng cơ hội sẽ còn đến với chúng tôi và mọi người nhiều hơn nữa”.
NGUYỄN VĂN NGHIÊM (ghi chép)