Điểm sàn ĐH là 15 điểm
Cập nhật ngày: 28/07/2015 17:07:00
Chiều 28/7, Hội đồng xét ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (còn gọi là điểm sàn) của Bộ GD&ĐT đã họp và công bố điểm sàn đại học là 15 điểm cho tất cả các tổ hợp; cao đẳng là 12 điểm. Dựa trên mức điểm sàn này, các trường ĐH-CĐ sẽ công bố mức điểm chuẩn xét tuyển của mình.
Ảnh minh họa.
Theo thống kê, số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ thi đủ ba môn của khối A truyền thống là 320.000 thí sinh; số thí sinh dự thi đủ ba môn khối B là 187.000 thí sinh; khối C có 111.000 thí sinh và số thí sinh thi đủ ba môn khối D là 543.000 thí sinh.
Trong đó, khối A, có 110.000 thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên, 243.000 thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên. Khối B có 45.000 thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên, 121.000 thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên. Còn lại ở các khối thi khác và các tổ hợp môn thi, mức điểm trung bình thí sinh nằm trong khoảng 16-18 điểm. Riêng các tổ hợp gồm môn toán kết hợp với các môn xã hội hoặc môn ngoại ngữ thì điểm thi trung bình thấp hơn, chỉ ở mức 13-15 điểm.
Cũng theo thống kê này, số bài thi ở các cụm thi quốc gia do các cụm đại học chủ trì đạt điểm tuyệt đối năm nay chỉ có 405 bài thi, giảm đáng kể so với các năm trước. Trong đó, môn Hóa học có nhiều bài thi đạt điểm tuyệt đối nhất với 130 bài; kế đến là môn toán có 86 bài thi đạt điểm 10; môn Sinh học có 35 điểm 10; môn Địa lý là 84; môn tiếng Anh 55; môn Lịch sử có 10 bài thi đạt điểm 10; 3 môn Vật lý, tiếng Nga, tiếng Đức mỗi môn có 1 bài thi đạt điểm 10; môn tiếng Pháp có 2; 3 môn còn lại không có bài thi nào đạt điểm tuyệt đối là môn tiếng Trung và tiếng Nhật và môn Ngữ văn.
Tuy số bài thi đạt điểm 10 ít nhưng số bài thi đạt điểm 9 ở các môn tăng gấp 5 lần so với năm trước, tổng cộng là 20.274 bài thi. Trong đó, môn Toán có 8.146, Ngữ văn có 344, Vật lý có 1272, Hóa học có 2880, Sinh học có 702, Lịch sử có 1.065, Địa lý có 3327, tiếng Anh có 2.460, tiếng Nga 18, tiếng Pháp 53, tiếng Trung 19, tiếng Đức 5, tiếng Nhật 16. Tương tự, số bài từ 8-8,75 điểm cũng rất nhiều..
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, năm nay lượng bài thi đạt từ 5-7 điểm chiếm tỷ lệ lớn. Bởi vậy, các trường tốp giữa sẽ có nguồn tuyển dồi dào, trường tốp trên càng dễ tuyển sinh hơn với số thí sinh đạt điểm cao nhất. Với những ngành nào điểm đầu vào cao thì vẫn dao động từ 23-24 điểm, điểm mức khá là từ 19-22 điểm và thấp hơn từ 15-17 điểm. Điều đó có nghĩa, năm nay nếu thí sinh có mức điểm vượt hẳn trên 2 điểm so với điểm chuẩn hằng năm thì hoàn toàn yên tâm nộp đơn vào trường. Cùng với đó, thí sinh phải tham khảo phổ điểm mà bộ vừa công bố để biết được có bao nhiêu người bằng hoặc thấp hơn, cao hơn điểm của mình để lựa chọn trường xét tuyển cho phù hợp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh, tuy tổ hợp xét tuyển của các trường năm nay rất đa dạng nhưng qui chế tuyển sinh qui định các trường phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo các tổ hợp truyền thống. Điểm sàn năm nay chỉ liên quan đến xét tuyển và chỉ tiêu của các trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Còn gần 200 trường có đề án tự chủ tuyển sinh sẽ dựa vào kết quả học tập phổ thông để xét tuyển một phần chỉ tiêu của mình. Vì vậy, điểm sàn năm nay được xem xét chủ yếu dựa vào chất lượng nguồn tuyển.
Năm nay phổ điểm của hầu hết các môn thi đều nhích lên về phía điểm cao, nghĩa là điểm trung bình nằm trong vùng 5-6 điểm. Điểm thấp, gần 0 điểm và điểm cao, 9-10 điểm cũng ít hơn do đề thi vừa kiểm tra kiến thức cơ bản, vừa kiến thức nâng cao.
Từ ngày 1/8, thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển NV1 vào đại học.
hongtuNguyệt Hà (Chinhphu.vn)