Đổi mới vì sự nghiệp trồng người
Cập nhật ngày: 27/04/2015 14:05:46
Sau năm 1975, không khó gặp hình ảnh những thầy, cô giáo cùng với học trò chung tay khuân vác từng thùng đất, cất lớp, xây trường trên nền đất phèn, sình lầy, nhiều nắng gió. Năm 1980, giáo dục Đồng Tháp chuyển mình, nhiều ngôi trường bê-tông kiên cố được xây, khang trang... Toàn ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã kế thừa, phát huy truyền thống hào hùng, quyết tâm đưa sự nghiệp trồng người vươn lên.
Học sinh Trường THPT Tháp Mười đến trường
Giai đoạn 2011-2015, quy mô giáo dục các bậc học, cấp học trong tỉnh tiếp tục được củng cố, phát triển đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh (HS) ở các cấp học. Công tác phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi; duy trì kết quả PCGD Tiểu học đúng độ tuổi và PCGD THCS tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và thực hiện đạt kết quả tốt.
Cơ sở vật chất được hoàn thiện, trong năm học 2013-2014, ngành giáo dục đầu tư xây dựng mới kiên cố 435 phòng học, 556 phòng chức năng, các hạng mục phụ trợ tại 98 điểm trường; sửa chữa 1.621 phòng học, phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ ở 385 điểm trường học; trang bị mới thay thế và bổ sung 5.030 bộ bàn ghế HS. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong tình hình mới. Sở GD&ĐT đánh giá chuẩn hơn 2.500 GV đang công tác tại các đơn vị trực thuộc, tỷ lệ GV xếp loại tốt đạt trên 70%, khá trên 17%. Chất lượng giáo dục đạt mức cao, cấp Tiểu học học lực trung bình trở lên đạt 98,8%, cấp THCS học lực trung bình trở lên đạt 95,9%; tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT đạt 99,5%. Với kết quả trên, năm học 2013-2014, Sở GD&ĐT Đồng Tháp dẫn đầu khối thi đua các Sở GD&ĐT khu vực đồng bằng sông Cửu Long, được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua, Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua, 4 nhà giáo được nhận danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.
Tiến sĩ Hồ Văn Thống - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Chất lượng giáo dục toàn diện duy trì vững chắc, chuyển biến theo chiều hướng tích cực; các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục được tập trung chỉ đạo thực hiện bằng những giải pháp thiết thực và hiệu quả; số lượng HS yếu, kém và bỏ học giảm so với năm học trước; kết quả học sinh giỏi, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT ổn định. Đề án nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh giai đoạn 2011-2015 làm chuyển biến nhận thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, GV trong ngành. Toàn ngành không ngừng đổi mới, từng bước hoàn thiện để khẳng định vị thế GD&ĐT Đồng Tháp trong khu vực, toàn quốc...”.
Giai đoạn 2016 - 2020, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo toàn ngành thực hiện các chủ trương đổi mới hoạt động khảo thí, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng là công cụ để nâng cao chất lượng GD&ĐT; đổi mới công tác thu thập và xử lí thông tin để giải quyết kịp thời các vấn đề của ngành; chủ động phối hợp tuyên truyền các hoạt động tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội trong tỉnh. Toàn ngành đẩy mạnh phong trào thi đua phù hợp với từng đối tượng theo hướng thiết thực, hiệu quả; kiện toàn nhân sự, từng bước giải quyết việc thừa thiếu GV cục bộ, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngang tầm với nhiệm vụ; huy động ngày càng nhiều hơn và sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực của Nhà nước và xã hội để tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục.
C.Phương
Thời chiến tranh, nhiều lớp học được ngụy trang ẩn mình dưới bụi tre gai, tán cây cà na, gáo; lớp được dựng tạm bằng thân tràm, lợp bằng những cọng đưng, bàn ghế là những cọc cây, mấy tấm ván gập ghềnh. Ngày bom đạn, máy bay quần đảo trên đầu, các thầy, cô giáo trở thành những người chiến sĩ che chở, đưa HS vào công sự ẩn nấp, địch hết quần đảo, lớp học lại bắt đầu. Nhớ về những ngày hào hùng đó, thế hệ hôm nay thêm tự hào, thêm trân trọng, thêm cố gắng vì sự nghiệp đào tạo con người như tâm nguyện của biết bao người đã không tiếc máu xương, quên tuổi xuân lặng thầm gieo chữ. |