Hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách, góp phần nâng cao hiệu quả học tập của sinh viên ở bậc đại học
Cập nhật ngày: 17/09/2014 13:39:31
Đọc sách là vấn đề không mới, khi mà việc đọc sách đã được khẳng định là một trong những yếu tố có thể làm thay đổi và hoàn thiện tư duy con người, làm “giàu có” thế giới nội tâm của người đọc. Tuy nhiên, đọc sách lại là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay, đặc biệt là đối với sinh viên. Vì vậy, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách sẽ góp phần nâng cao hiệu quả học tập của sinh viên ở bậc đại học.
Sinh viên tham gia ngày Hội sách của Trường Đại học Đồng Tháp năm 2013
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố ngày 12/4/2013, người Việt Nam đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm (tức là chưa đọc được một cuốn sách trong một năm). Tỷ lệ sách bình quân tính trên đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn/người. Đối với sinh viên, đa số chủ yếu đọc giáo trình, tài liệu học tập bắt buộc. Trong quá trình đọc, nhiều sinh viên chỉ tập trung đến việc tiếp nhận thông tin một cách “cơ học”, phương pháp và kỹ năng đọc sách chưa thật sự được chú trọng rèn luyện. Thực trạng này được nhìn nhận với nhiều nguyên nhân và khách quan.
Trong kỷ nguyên thông tin và “thế giới phẳng” hiện nay, chất lượng học tập của sinh viên phụ thuộc rất lớn vào việc chuyên cần đọc sách, chọn đúng sách và đọc đúng cách. Theo nhiều nhà nghiên cứu, sinh viên cần: lựa chọn có ý thức sách cần đọc, biết vận dụng thành thạo các cách đọc khác nhau đối với từng loại tài liệu (tài liệu nghiên cứu, tài liệu phổ thông, tài liệu giải trí...); định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân từ tài liệu in cho đến tài liệu trong môi trường số (trong các cơ sở dữ liệu, trên Internet); đảm bảo được tính hệ thống trong quá trình lựa chọn tài liệu đọc (đọc từ trình độ thấp lên trình độ cao, từ các vấn đề đơn giản tới phức tạp); biết cách tiếp nhận một cách tốt nhất nội dung tài liệu đọc; vận dụng các biện pháp kỹ thuật để củng cố và đào sâu những nội dung đã đọc như ghi chép, trao đổi với bạn bè; vận dụng sáng tạo vào quá trình học tập và cuộc sống những nội dung đã đọc.
Kết quả của những cuộc khảo sát nhỏ, mang tính ngẫu nhiên ở Trường Đại học Đồng Tháp cho thấy: những sinh viên có thói quen và kỹ năng đọc sách luôn là những cá nhân thành đạt sau khi tốt nghiệp với cá tính sáng tạo và năng lực làm việc rất hiệu quả. Trong xu thế đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay, việc đổi mới từ cơ sở và bắt đầu từ “những tế bào” đang là những giải pháp ưu tiên được chọn. Thói quen đọc sách, như một yếu tố tự thân, chắc chắn sẽ “đồng hành” với sự thay đổi theo hướng tích cực của sinh viên trong quá trình hình thành năng lực, kỹ năng và tình cảm.
Để góp phần hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách của sinh viên cần nhiều giải pháp đồng bộ, trước hết, chúng ta cần xây dựng được ý thức đối với vấn đề đọc sách của các em; sau đó là tạo điều kiện thuận lợi về không gian đọc, đáp ứng các sở thích, thị hiếu đa dạng về sách; xây dựng hệ thống thư viện, tài nguyên học liệu, cơ sở vật chất phục vụ cho việc đọc sách; quan trọng hơn là tạo dựng và nuôi dưỡng được “bầu không khí đọc sách”- ở đó, những sinh viên ít chịu đọc sách sẽ tự cảm thấy lạc lõng. Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, định hướng đọc sách cho sinh viên; thành lập các câu lạc bộ đọc sách trong sinh viên, tạo cơ hội để các em vận dụng các kiến thức đã học...
Đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm, giảng viên đóng vai trò là “huấn luyện viên”, người học chủ động tìm kiếm, xử lý và tích lũy kiến thức; song hành với đổi mới việc kiểm tra, đánh giá (thật sự có chú trọng đến quá trình đọc sách) là giải pháp hiệu quả nhất tác động mạnh mẽ đến việc hình thành và bồi dưỡng thói quen đọc sách của sinh viên. Khi đó, việc đến thư viện, tìm sách ở nhiều nguồn khác nhau để đọc, đồng thời đọc có tiếp thu, phê phán và sáng tạo... sẽ dần dần là nhu cầu thiết yếu, một thói quen được hình thành ở mỗi sinh viên.
Văn Nghiêm - Chân Như