Liều thuốc ngăn chặn bạo lực học đường: Sự chung tay

Cập nhật ngày: 30/03/2015 12:21:52

Từ tháng 10/2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra ba vụ bạo lực học đường (BLHĐ) nghiêm trọng tại huyện Thanh Bình, Châu Thành và TP.Cao Lãnh. Trong đó, vụ 1 học sinh (HS) bị bạn học cùng trường đâm trọng thương dẫn đến tử vong, vụ HS đánh nhau sau đó tung clip lên mạng và vụ HS bị đánh hội đồng phải đưa đi cấp cứu. Và sẽ còn nhiều vụ BLHĐ nghiêm trọng xảy ra nếu gia đình, nhà trường và xã hội không cùng chung tay góp sức đẩy lùi.

Thực ra, tình trạng BLHĐ đã được cảnh báo từ khá lâu. Tình trạng HS đánh nhau không chỉ xảy ra mới đây và cũng không chỉ xảy ra trên địa bàn Đồng Tháp. Song, điều đáng nói là tính chất nghiêm trọng của nạn BLHĐ tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh là rất đáng lo ngại. Đáng lo ngại hơn là sau khi xảy ra những vụ BLHĐ, dư luận và cơ quan truyền thông phản ánh, cảnh báo thì một số người đứng đầu nhà trường có HS đánh nhau lại thoái thác trách nhiệm, có trường phát hiện vụ việc chậm trễ, hoặc xử lý hành vi BLHĐ không đủ tính răn đe. Trả lời báo chí trong một vụ BLHĐ gần đây trên địa bàn tỉnh, một hiệu trưởng cho rằng lứa tuổi HS chưa thấu hiểu sâu việc đánh nhau gây hậu quả như thế nào, thế nhưng vị hiệu trưởng ấy lại bảo: “Giáo viên của chúng tôi không thể nào đi giữ từng em được”.

Đành rằng một giáo viên không thể giữ trên dưới 40 HS của một lớp học. Song ta không đánh đồng giữa việc giáo dục qua loa trong tiết sinh hoạt dưới cờ với việc theo sâu sát tình hình học tập và hoàn cảnh HS là một. Cách trả lời của vị hiệu trưởng ấy cho thấy, ở đâu đó, mối quan hệ giữa thầy và trò trong nhà trường ngày càng có sự lỏng lẻo. Giáo viên cũng cần quan tâm hoàn cảnh gia đình HS, đặc biệt là một số HS được trường xem là “cá biệt” để tiếp cận các em, qua đó sớm phát hiện sự mâu thuẫn trong các em hoặc các em bị bạn đe dọa. Trước sự quan tâm, sâu sát của giáo viên, dần dần HS sẽ chuyển đổi được hành vi và nhận ra được những sai lầm của mình.

Qua các vụ BLHĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy, trong giáo dục HS, vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội vô cùng quan trọng. Phụ huynh HS có con em đang theo học không nên nghĩ rằng đã đóng học phí cho trường nghĩa là giao phó mọi chuyện cho nhà trường. Không chỉ nhà trường mà gia đình cũng có trách nhiệm không nhỏ trong việc con em mình đang theo học lại đi đánh nhau, bởi các em thiếu sự quan tâm, dạy bảo của các bậc làm cha, mẹ. Do đó, rất cần sự hợp tác giữa gia đình với nhà trường để có biện pháp giáo dục các em một cách toàn diện và hiệu quả nhất.

Ngoài ra, trong công tác đoàn, đội các trường, địa phương không chỉ tổ chức các hoạt động phong trào mà đã đến lúc đẩy mạnh, phối hợp tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện đạo đức cho HS.

Ta không thể nói vô can trong vấn đề BLHĐ, càng thông thể ngó lơ trước vấn nạn BLHĐ như hiện nay. Những cử chỉ quan tâm, những hoạt động đoàn, đội thiết thực dành cho HS sẽ là liều thuốc tốt nhất giúp ngăn chặn BLHĐ.

Hữu Nghĩa

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn