Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2015
Những nội dung mới cần lưu ý
Cập nhật ngày: 18/03/2015 13:42:29
So với quy chế cũ, quy chế tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) chính quy năm 2015 (gọi tắt là quy chế mới) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức ban hành có nhiều nội dung mới cần được lưu ý như: phương thức tuyển sinh, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, đối tượng tuyển thẳng, thời gian đăng ký xét tuyển và các nguyện vọng.
Đội hình sinh viên tiếp sức mùa thi của Trường Đại học Đồng Tháp
Về phương thức tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ có thể lấy kết quả thi của thí sinh ở kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (THPT QG), với các ngành năng khiếu sẽ sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hóa kết hợp với các môn thi năng khiếu để xét tuyển, đồng thời có thể xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng (xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT, xét tuyển kết hợp với thi tuyển). Kết quả xét tuyển dựa vào tổng điểm 3 môn thi tuyển/xét tuyển (với điểm thi tuyển/ xét tuyển chính được nhân hệ số 2) cộng với điểm ưu tiên theo quy định (nếu có).
Căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT QG để xét tuyển ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (thay cho điểm sàn trước đây) để các trường xây dựng phương án xét tuyển (thay cho điểm chuẩn trước đây). Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1 điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức.
Theo quy chế mới, đối tượng tuyển thẳng được quy định chi tiết hơn, đồng thời từ 9 đối tượng tuyển thẳng năm 2014 được tăng lên thành 11 đối tượng tuyển thẳng năm 2015. Hai đối tượng tuyển thẳng mới được bổ sung (sẽ được tuyển thẳng vào học CĐ với ngành nghề phù hợp theo quy định) là: thí sinh có bằng trung cấp loại giỏi trở lên hoặc có bằng trung cấp loại khá nhưng có ít nhất 2 năm làm việc theo đúng ngành nghề đào tạo; và thí sinh có bằng trung cấp nhưng đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi cấp Quốc gia. Thí sinh là người khuyết tật đặc biệt nặng có giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định thì hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ căn cứ vào kết quả học tập THPT, tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét, quyết định cho vào học.
Thời gian xét tuyển vào ĐH, CĐ dự kiến bắt đầu từ tháng 8. Ở nguyện vọng 1, thí sinh dùng giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký vào một trường với tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) với thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Các trường cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển vào trường lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh Quốc gia và 3 ngày một lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp. Trong quá trình đó, thí sinh nếu cảm thấy không có nhiều cơ hội thì được phép rút hồ sơ để gửi sang trường khác xét tuyển. Ngoài nguyện vọng 1 (nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì không được xét tuyển nguyện vọng bổ sung), mỗi thí sinh có 3 phiếu kết quả giống nhau để dùng cho các đợt xét tuyển bổ sung.
Trong mùa tuyển sinh 2015 của Trường Đại học Đồng Tháp, những ngành học xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 12 của thí sinh như: Nuôi trồng thủy sản, Quản lý văn hóa, Công tác xã hội, Ngôn ngữ Trung Quốc, Khoa học thư viện, Văn hóa - Du lịch; những ngành xét tuyển kết hợp với thi tuyển là: Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật. Thông tin chi tiết đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của trường: www.dthu.edu.vn.
NGUYỄN VĂN NGHIÊM (Tổng hợp)