Những đổi mới căn bản của Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2015 và sự chuẩn bị của thí sinh

Cập nhật ngày: 17/12/2014 13:47:36

Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015 (kỳ thi THPT quốc gia) được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) những năm qua đã được dư luận xã hội đánh giá cao. Để đảm bảo không gây “sốc” cho học sinh (HS), giáo viên (GV), phụ huynh và xã hội, kỳ thi này không yêu cầu GV và HS phải thay đổi quá nhiều về dạy và học. Tuy nhiên, với cách tiếp cận mới nên kỳ thi sẽ có những đổi mới căn bản về mục đích và tác động tích cực đối với dạy học ở các trường phổ thông. Cụ thể là tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ thay vì tổ chức hai kỳ thi để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây.


Sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí. Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy học sẽ được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD&ĐT sẽ được xem xét miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn còn lại phù hợp với phương án của các trường ĐH, CĐ để có thêm cơ hội vào học ở các trường ĐH, CĐ; thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ cần đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.

 Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức xây dựng đề thi với định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng đánh giá năng lực người học ở cả 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao đáp ứng yêu cầu cơ bản và nâng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh. Cùng với việc nâng cao dần chất lượng giáo dục trong quá trình dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của người học, qua từng năm học, đề thi sẽ tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó.

Về tổ chức thi, sẽ bố trí coi thi, chấm thi theo các cụm thi tập trung do trường ĐH có uy tín được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ chủ trì, với sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT. Tại các địa phương không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không lấy kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì.

Điểm thi của thí sinh được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ; thí sinh sẽ dự thi trước, đăng ký tuyển sinh vào ngành và trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi. Như vậy, việc tách khâu thi và xét tuyển trong tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ tạo cơ hội cho thí sinh vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực và nguyện vọng.

Theo các chuyên gia tư vấn, ngay bây giờ, thí sinh cần tập trung ôn thi, ổn định tâm lý để thích ứng nhanh với những đổi mới; đồng thời chú ý các nội dung và mốc thời gian quan trọng của kỳ thi như: Tháng 1/2015, Bộ GD&ĐT công bố Quy chế tuyển sinh 2015 (bao gồm thông tin: thủ tục đăng ký, nguyện vọng của thí sinh và quy định về 6 nguyện vọng đã công bố sẽ thực hiện như thế nào, số đợt xét tuyển ĐH và CĐ, ngưỡng chất lượng đầu vào, phương thức công bố kết quả trúng tuyển...và rất nhiều thông tin quan trọng khác). Thời gian đăng ký dự thi: trung tuần tháng 3/2015. Thời gian thi: trong 4 ngày 9, 10, 11, 12 tháng 6/2015; và các nội dung liên quan.

NGUYỄN VĂN NGHIÊM (Tổng hợp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn