Những lưu ý trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Cập nhật ngày: 11/03/2015 13:50:25
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2015 có nhiều thay đổi về cách thức thi. Do đó, học sinh (HS) phải hết sức lưu ý các thông tin liên quan đến hoạt động kỳ thi.
Các trường chú trọng ôn tập thi tốt nghiệp THPT
Thi THPT quốc gia là cơ sở để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Năm 2015, thi tốt nghiệp THPT gồm 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh (TS) phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do TS tự chọn trong các môn thi còn lại. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.
TS không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xem xét, quyết định cho phép TS chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TS dự thi 4 môn quy định và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định. Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TS đã tốt nghiệp THPT phải đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà TS có nguyện vọng.
Bên cạnh những TS đang học lớp 12 tại các trường THPT trong tỉnh, các TS tự do muốn dự thi tốt nghiệp THPT phải đảm bảo các điều kiện đã tốt nghiệp THCS; đảm bảo các điều kiện được đánh giá, xếp loại ở lớp 12, hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém. Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0 điểm. Trường hợp bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận có đủ tư cách, phẩm chất đạo đức và nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.
Bộ GD&ĐT giao trách nhiệm các trường THPT hoàn thành chương trình dạy học theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT; tổ chức ôn tập cho HS; hướng dẫn để HS được cấp Giấy chứng minh nhân dân chậm nhất vào cuối học kỳ I năm học lớp 12. Cán bộ tuyển sinh tiếp nhận phiếu đăng ký dự thi, phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT; kiểm tra hồ sơ của người học đăng ký tại trường, đồng thời trả giấy chứng nhận kết quả thi cho TS nộp phiếu đăng ký dự thi tại trường, thông báo kết quả công nhận tốt nghiệp THPT; cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; phát Bằng tốt nghiệp THPT cho TS; lưu trữ hồ sơ của kỳ thi theo quy định.
Trách nhiệm của các trường ĐH chủ trì cụm thi tổ chức coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo; in, đóng dấu và gửi Giấy chứng nhận kết quả thi cho các Sở GD&ĐT; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi; chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT nơi tổ chức cụm thi và các trường ĐH, CĐ, trung cấp và các cơ sở giáo dục nơi đặt điểm thi chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất cho kỳ thi. Cán bộ coi thi không được làm nhiệm vụ tại điểm thi có người thân dự thi.
TS sẽ dự thi tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT. Chủ tịch Hội đồng thi căn cứ số lượng TS đăng ký dự thi tại cụm và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ để quyết định thành lập các điểm thi đặt tại trường ĐH, CĐ, trung cấp, các cơ sở giáo dục khác đáp ứng được các yêu cầu công tác tổ chức thi.
C.Phương