Chuyện làng thông minh
Cập nhật ngày: 27/01/2023 10:29:23
ĐTO - Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình làng thông minh phát triển từ hội quán nông dân tại Đồng Tháp” (đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp Quốc gia) (viết tắt là làng thông minh), do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ quản; Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì; PGS.TS. Thoại Nam - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật điện toán - Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm. Đề tài triển khai tại Thuận Tân Hội quán và Tâm Quê Hội quán của xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (từ tháng 11/2020 đến tháng 4/2023), đến nay đã hoàn thành nhiều nội dung.
PGS.TS. Thoại Nam trình bày tại hội thảo lấy ý kiến về xây dựng bộ tiêu chí mô hình làng thông minh áp dụng cho tỉnh Đồng Tháp (ngày 19/10/2022)
Đề tài có các mục tiêu: xây dựng mô hình làng thông minh (TM) phát triển từ hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và điều kiện kinh tế - xã hội trong nước; nghiên cứu phát triển một số ứng dụng điển hình của làng TM dựa trên nền tảng IoT, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa địa phương; ứng dụng thử nghiệm mô hình làng TM cho một địa bàn cụ thể của tỉnh Đồng Tháp.
Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu nhiều mô hình làng TM ở nước ngoài như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, châu Âu... và đưa ra nhận định, khái niệm về làng TM (Smart village) chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây và gắn liền với giai đoạn phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ. Một yếu tố quan trọng là sự phát triển bền vững của địa phương dựa trên thế mạnh riêng của mình. Yếu tố công nghệ được xem là công cụ nhưng có vai trò then chốt trong giai đoạn hiện tại để giúp địa phương nâng cao hiệu quả giải quyết các vấn đề của mình nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng. Các dự án về làng TM ở các quốc gia khác đều hướng đến ứng dụng khoa học, công nghệ giải quyết một số vấn đề hạn chế tại địa phương như: năng lượng bền vững, kết nối cộng đồng, sản xuất xanh, liên kết vùng, thay đổi về nhân khẩu, biến đổi khí hậu, an ninh, y tế, giáo dục, tưới tiêu, hạ tầng giao thông... Không có một giải pháp toàn diện và là khuôn mẫu cho tất cả làng TM ở các quốc gia vì tính đặc thù và điều kiện phát triển khác nhau.
Lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường thông minh tại làng thông minh
Đề tài xây dựng mô hình làng TM tại Đồng Tháp để phát triển nông thôn, hướng đến nâng cao môi trường sống và sản xuất, cơ hội sinh kế và dịch vụ cũng như quản trị để hướng đến phát triển bền vững và phục hồi nhanh dựa trên các thế mạnh và cơ hội của địa phương. Làng TM giải quyết các vấn đề của địa phương theo một hướng hiện đại khi ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ thông tin truyền thông và kỹ thuật tiên tiến khác kết nối với giá trị bản địa nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị địa phương. Một số ứng dụng điển hình của làng TM dựa trên nền tảng vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), chuỗi khối (Blockchain) và năng lượng tái tạo như: camera an ninh, tưới tiêu kết hợp quan trắc, sổ tay điện tử theo chuẩn VietGAP, chiếu sáng công cộng, đo đếm điện - nước, hệ sinh thái sản phẩm chủ lực được triển khai.
PGS.TS. Nguyễn Văn Cần - Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, có nhiều thời gian nghiên cứu và tiếp cận các mô hình làng TM của nước ngoài, chia sẻ: “Mô hình làng TM là hướng đi tất yếu nhằm phát triển nông thôn nhờ vào công nghệ kỹ thuật số. Mô hình làng TM ngày càng được mở rộng ra trên từng quốc gia từ châu Âu đến châu Á, Mỹ Latinh... Mô hình này dựa trên hội quán tại Đồng Tháp sẽ là mô hình làng TM tiên phong và triển vọng trong phát triển nông thôn bền vững...”.
Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa Phương; Văn phòng các chương trình trọng điểm Quốc gia) giám sát, đánh giá việc thực hiện đề tài làng thông minh tại Đồng Tháp
Trái tim của làng TM là hệ dữ liệu (lớn) trung tâm được kết nối và chia sẻ để vận hành các dịch vụ và ứng dụng “TM” hơn. Cổng thông tin điện tử và ứng dụng trên điện thoại TM giúp kết nối cư dân, chính quyền, doanh nghiệp để phổ biến và chia sẻ thông tin pháp luật, kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm, thông tin thị trường, thông tin môi trường... Kết nối số là một thế mạnh của làng TM trong giai đoạn hiện tại.
Điểm khác biệt triển khai làng TM của Đồng Tháp so với nơi khác chính là định hướng phát triển một phần mềm nền làng TM làm hạt nhân nhân rộng làng TM tại nhiều khu vực khác nhau nhằm phát huy tính đặc thù của địa phương nhưng tất cả vẫn kết nối và chia sẻ thông tin chung trong một hệ thống. Với mô hình này, việc triển khai làng TM tại bất kỳ địa phương nào của Đồng Tháp có nhiều thuận lợi vì đã có một điểm khởi đầu tốt.
Ông Đặng Văn Những - Chủ nhiệm Tâm Quê Hội quán, cho biết: “Tôi và các thành viên trong hội quán rất phấn khởi khi địa phương được chọn để triển khai mô hình làng TM. Hiện, một số nội dung của mô hình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tôi thấy rất tiện lợi, rất thông minh như: hệ thống camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo giám sát an ninh trật tự; hệ thống quan trắc môi trường, đo các chỉ số về nước, khí, đất, giám sát các thông số cơ bản về pH, nhiệt độ, độ ẩm...; hệ thống tưới tự động; hệ thống đèn chiếu sáng công cộng TM sử dụng năng lượng mặt trời... Rất mong mô hình sớm hoàn thành, được chuyển giao công nghệ, hướng dẫn vận hành các thiết bị để ứng dụng thiết thực vào sản xuất đời sống”.
Hệ thống chiếu sáng thông minh
PGS.TS. Thoại Nam chia sẻ, triển khai giải quyết một số vấn đề còn mới mẻ như làng TM là thách thức lớn nhưng có nhiều vấn đề hay để học hỏi. Hơn nữa, làng TM phát triển trên mô hình hội quán nông dân tại Đồng Tháp càng đặc sắc và thú vị, đây là động lực lớn để nhóm nghiên cứu thực hiện. Nhóm nghiên cứu từ đầu đã xác định là có nhiều khó khăn và phải có quyết tâm cao mới vượt qua trong nghiên cứu phát triển cũng như triển khai thực tế vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Động lực phát triển một mô hình làng TM hiệu quả cho Đồng Tháp nói riêng và Việt Nam nói chung giúp nhóm có nhiều năng lượng để thực hiện. Chính quyền địa phương, người dân và cả doanh nghiệp ủng hộ, phối hợp và hỗ trợ hiệu quả nên nhóm thực hiện đề tài có thể nghiên cứu và triển khai tốt mô hình làng TM tại Đồng Tháp. Vẫn còn nhiều công việc trong triển khai và nhân rộng mô hình tại một số khu vực khác. Làng TM là cơ hội và là điểm mới bắt đầu cho địa phương, không phải là kết quả cuối cùng. Vẫn còn nhiều điều hay cần nghiên cứu phát triển về làng TM. Nhóm nghiên cứu sẽ đồng hành cùng địa phương trên con đường này để đạt những kết quả như mong đợi. Làng TM lấy con người làm trung tâm. Mọi hoạt động đều hướng đến lợi ích ngắn hạn và dài hạn cho cư dân địa phương. Các bên chính yếu liên quan trong làng TM là cư dân, chính quyền, doanh nghiệp, trường đại học và các tổ chức khác.
Thành Nam