Google phát triển thiết bị dò tìm ung thư
Cập nhật ngày: 30/10/2014 05:39:37
Hãng công nghệ Mỹ Google đang phát triển một thiết bị có khả năng phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư, suy tim và nhiều bệnh hiểm nghèo khác.
Bác sĩ Andrew Conrad (trái) gia nhập phòng thí nghiệm Google X từ năm 2013
Theo báo Wall Street Journal, Google cho biết công nghệ này là sự kết hợp giữa các hạt nano dò bệnh được đưa vào cơ thể qua một viên thuốc với một cảm biến đeo tay. Khi ở trong máu, các hạt nano có kích cỡ chỉ bằng 1/1.000 chiều rộng tế bào hồng cầu sẽ bám vào các tế bào, protein và mô trong cơ thể người.
Các hạt nano sẽ phát hiện những thay đổi cực nhỏ trong hệ sinh hóa của cơ thể người, qua đó gửi tín hiệu cảnh báo sớm ung thư, suy tim và nhiều bệnh nguy hiểm khác tới cảm biến đeo tay.
Phát hiện sớm là điều kiện then chốt để chữa trị các loại bệnh, đặc biệt là ung thư. Y học hiện đại chỉ có thể phát hiện các bệnh ung thư như ung thư tuyến tụy khi bệnh nhân đã bước sang giai đoạn hiểm nghèo.
“Mọi xét nghiệm y tế mà bệnh nhân phải làm sẽ được thực hiện qua hệ thống này. Đó là mục tiêu của chúng tôi”- bác sĩ Andrew Conrad, trưởng nhóm Life Sciences (Khoa học sự sống) của phòng thí nghiệm Google X, nơi đang thực hiện dự án nghiên cứu này. Bác sĩ Conrad là nhà sinh học phân tử đã phát triển thiết bị thử HIV giá rẻ đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Ông nhấn mạnh Google muốn thay đổi y học từ “phản ứng” và “chữa trị” sang “chủ động” và “dự phòng”. “Hạt nano cung cấp khả năng khám phá cơ thể người mở cấp độ phân tử và tế bào” - chuyên gia Conrad nhấn mạnh. Google đang thiết kế các hạt nano có khả năng đánh dấu các tế bào bệnh khác nhau.
Chúng có thể bám vào một tế bào ung thư hoặc mảnh DNA ung thư hay tìm thấy dấu hiệu của các biến đổi hóa học trong máu dự báo một vụ đột quỵ, suy tim hoặc suy gan…Hãng BBC dẫn lời giáo sư Paul Workman thuộc Viện Nghiên cứu ung thư Anh nhận định đây là ý tưởng tuyệt vời.
“Nếu có thể phát hiện sớm ung thư và các bệnh khác, chúng ta sẽ đủ khả năng can thiệp bằng phương pháp trị liệu hay đơn giản hơn là thay đổi cách sinh hoạt của bệnh nhân” - giáo sư Workman nhấn mạnh.
Giới khoa học đánh giá công nghệ nano có ảnh hưởng rất lớn đối với y học hiện đại. Riêng chính phủ Mỹ đã đầu tư hơn 20 tỷ USD vào các hoạt động nghiên cứu công nghệ nano kể từ năm 2001, bao gồm 4,3 tỷ USD cho các dự án y tế.
Đây là một nỗ lực nữa của Google nhằm mở rộng tầm hoạt động ra khỏi các lĩnh vực công nghệ truyền thống như tìm kiếm trên mạng Internet. Phòng thí nghiệm Google X đang phát triển xe hơi tự lái và Dự án Loon cung cấp dịch vụ Internet cho các vùng nông thôn và rừng núi bằng hệ thống khinh khí cầu thời tiết.
NGUYỆT PHƯƠNG (TTO)