Não bộ và giấc ngủ

Cập nhật ngày: 12/11/2014 04:54:50

Theo Dailyhealthpost, não không bao giờ ngủ, mặc dù nó có thể nghỉ ngơi trong thời gian nhàm chán.


Não bộ làm việc ngay cả khi bạn ngủ 

Những người thông minh là những người dành 1/3 cuộc sống cho việc ngủ. Nghe có vẻ lãng phí, nhưng thật ra, theo các chuyên gia, giấc ngủ rất quan trọng cho sức khỏe và đặc biệt vô cùng có lợi cho não.

Hoạt động thần kinh trong khi ngủ gần như xảy ra với cùng một mức độ như khi còn thức. Bên cạnh các chức năng mà cơ thể thực hiện không tự nguyện trong khi ngủ như tiêu hóa thức ăn, thở, gửi tín hiệu đến các cơ quan…, thì thời gian đó, não còn tiến hành quá trình nhận thức tích cực hơn.

Củng cố trí nhớ. Bộ não và cơ thể cần được nghỉ ngơi đầy đủ để hình thành những ký ức mới. Trong lúc bạn ngủ, não hình thành những ký ức mới rồi củng cố và kết nối chúng, tạo thành một mạng lưới bộ nhớ hợp nhất. Nếu bạn quên nơi cất chìa khóa xe, đó có thể là do bạn không ngủ đủ giấc.

Mất ngủ làm thay đổi đường dẫn tín hiệu điều chỉnh sức mạnh tiếp hợp và kiểm soát sự liên kết liên quan đến việc ghi nhớ. Ngủ đủ giấc góp phần tăng cường mã hóa khả năng học tập của con người trong vùng đồi thị; ngược lại mất ngủ làm suy yếu hoạt động của vùng đồi thị và cả các mã hóa liên quan... Tóm lại, giấc ngủ gây ảnh hưởng mạnh đến cơ chế phân tử, tế bào và mạng lưới điều phối việc học tập ban đầu và củng cố trí nhớ dài hạn.

Giải độc. Trong khi ngủ, cơ thể hoạt động như một “công cụ làm sạch nhà” theo đúng nghĩa đen. Độc tố tích tụ trong ngày sẽ được xử lý và gửi đến các cơ quan thích hợp để trục xuất nó. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy thiếu ngủ kinh niên có thể dẫn đến bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer.

Theo Dailyhealthpost, khi chúng ta ngủ, não bộ trải qua một quá trình đặc biệt giúp tiêu hủy những chất gây bệnh Alzheimer. Một nhóm nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y dược Đại học Rochester (Mỹ) phát hiện rằng hệ thống giải độc não mà họ gọi là “hệ thống glymphatic” nhạy hơn 10 lần khi chúng ta ngủ.

Hệ thống giải độc về đêm này giúp tiêu hủy những protein thừa gọi là amyloid-beta, chất làm tăng những lớp màng não gây bệnh Alzheimer và khủng hoảng thần kinh. Nếu không có quá trình này diễn ra hằng đêm, chất gây ô nhiễm có thể tích tụ làm ảnh hưởng đến trí nhớ, sự tỉnh táo và sức khỏe lâu dài của não.

Học và ghi nhớ hành động. Những người múa máy tay chân trong khi ngủ là do họ đang thực hành các hoạt động thể chất. Và hiện tượng này thường xảy ra trong giai đoạn REM (chuyển động mắt nhanh). Giai đoạn này giúp lưu trữ thông tin vận động một cách dễ dàng.

Khi ngủ, những kiến thức vận động (lái xe, chạy nhảy, bơi lội, đá bóng…) sẽ được chuyển từ trí nhớ ngắn hạn sang dài hạn, nhờ vậy mà ta nhớ lâu hơn. Các chuyên gia cho rằng những vụ “nổ năng lượng” (cơ bắp co giật) xảy ra khi các thùy thái dương nhận được những ký ức mới từ vỏ não, rồi xử lý và lưu trữ chúng.

Các nhà khoa học cho biết giai đoạn REM rất quan trọng đối với sức khỏe tâm thần. Giống như máy vi tính, khi vào giai đoạn này, não sẽ sàng lọc các thông tin trong bộ nhớ tạm, xóa bớt dữ liệu không quan trọng và lưu lại những gì cần nhớ lâu.

Thúc đẩy khả năng sáng tạo. Giấc ngủ được xem là liều thuốc bổ tăng cường khả năng sáng tạo của con người. Khi con người ở trạng thái nghỉ ngơi vô thức sẽ có xu hướng tạo ra những liên kết vô hình, thúc đẩy sự sáng tạo và ý tưởng mới.

Một nghiên cứu từ Đại học Carlifornia tại Berkeley (Mỹ) thực hiện vào năm 2007 cho thấy giấc ngủ giúp tạo ra những khoảnh khắc kỳ diệu, mà sau khi thức giấc, chúng  giúp con người tăng cường khả năng kết nối các ý tưởng, hình thành nên những sáng tạo mới mẻ. Nếu không ngủ đủ giấc, khả năng kết nối của não bị hạn chế, dẫn đến việc trí nhớ sa sút và khả năng sáng tạo cũng bị kìm hãm.

Đưa ra quyết định. Não có thể đưa ra quyết định hiệu quả hơn trong tình trạng vô thức. Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Current Biology cho biết não hoạt động trong suốt quá trình chúng ta ngủ để xử lý thông tin và sau đó đưa ra quyết định.

Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu một nhóm người tham gia thử nghiệm về việc phân loại ngôn ngữ. Nhóm 1 nói những từ liên quan đến con vật hoặc đồ đạc; nhóm 2 là những từ ngữ ảo. Những người tham gia được yêu cầu liên tục lặp lại hành động này trước khi ngủ. Khi họ chìm vào giấc ngủ, các nhà khoa học nhận thấy rằng: não bộ điều khiển những hành động của cơ thể kể cả khi ngủ, và bộ não vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng “đáp trả”, nhưng khi thức giấc, họ không hề nhớ những gì đã xảy ra.

Ngọc Khuê (TNO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn