Phát hiện biển nước mặn trên mặt trăng Mộc tinh
Cập nhật ngày: 15/03/2015 06:47:09
Các nhà thiên văn học quốc tế tuyên bố đã có đủ bằng chứng để xác định dưới bề mặt của mặt trăng Ganaymede, vệ tinh lớn nhất của Mộc tinh, có một biển nước mặn khổng lồ.
Cực quang trên bề mặt mặt trăng Ganaymede theo mô tả của NASA
Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), các chuyên gia đã sử dụng kính thiên văn vũ trụ Hubble để phát hiện ra dấu vết của biển nước mặt dưới bề mặt mặt trăng Ganaymede. Đây là mặt trăng duy nhất trong hệ mặt trời có từ trường riêng.
Nhờ có từ trường nên trên bề mặt Ganaymede xuất hiện cực quang tím ở bắc và nam cực mặt trăng này. Tuy nhiên từ trường của mặt trăng Ganaymede bị từ trường của Mộc tinh tác động, khiến cực quan trên Ganaymede bị dịch chuyển.
Qua nghiên cứu các chuyển động của cực quang trên Ganaymede, các nhà khoa học xác định dưới bề mặt của mặt trăng này phải có một đại dương nước mặn khổng lồ. Đại dương này làm giảm tác động của từ trường Mộc tinh lên Ganaymede.
Giáo sư Joachim Saur thuộc ĐH Cologne, người dẫn đầu nghiên cứu mặt trăng Ganaymede, cho biết đại dương trên Ganaymede sâu gấp 10 lần các đại dương trên trái đất.
Trên thực tế, giới khoa học đã nghi ngờ mặt trăng Ganaymede có đại dương từ nhiều năm trước. Nhưng đây mới là lần đầu tiên họ thu thập được bằng chức xác định nghi ngờ này.
“Một đại dương sâu thẳm dưới bề mặt băng giá của Ganaymede mở ra khả năng sự sống tồn tại bên ngoài trái đất” - chuyên gia NASA John Grunsfeld khẳng định.
Chuyên gia Jim Green, giám đốc khoa học hành tinh của NASA, mô tả phát hiện này cho thấy hệ mặt trời là “nơi đẫm nước”. Trước Ganaymede, các nhà khoa học cũng xác định một loạt mặt trăng có đại dương dưới bề mặt như Europa, Caliso (vệ tinh của Mộc tinh), Enceladus, Titan và Mimas (vệ tinh của Thổ tinh), Triton (vệ tinh của Hải Vương tinh).
Theo dự kiến, châu Âu sẽ phóng tàu vũ trụ Juice tới quỹ đạo của mặt trăng Ganaymede để nghiên cứu vào thập niên 2030.
TTO