Phòng thí nghiệm nửa nổi, nửa chìm
Cập nhật ngày: 15/11/2013 05:53:41
Phòng thí nghiệm ngầm dưới nước, với nhiều chức năng hữu ích phục vụ cho công tác nghiên cứu đời sống sinh vật biển, sẽ được đưa vào sử dụng trong năm tới.
Phòng thí nghiệm có dạng tàu ngầm và còn được gọi là SeaOrbiter là thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Jacques Rougerie. Nó được tạo ra nhằm giúp các nhà khoa học, chuyên nghiên cứu đại dương và đời sống của sinh vật biển, có cơ hội tiếp cận với các nghiên cứu thực tế và chuyên sâu hơn.
SeaOrbiter có chiều cao hơn 50 m, nặng khoảng 1.000 tấn. Bộ phận phòng thí nghiệm được thiết kế chìm dưới nước với một đường dẫn trực tiếp xuống biển ở độ sâu khoảng 6 km để phục vụ cho công tác nghiên cứu các hệ sinh thái và các loài sinh vật biển dưới biển sâu.
SeaOrbiter còn được lắp đặt hệ thống thu thập các loài cá hay các loài sinh vật phù du trôi nổi dưới biển. Con tàu có thể thực hiện các cuộc thăm dò dưới biển sâu trong vòng 24 giờ.
Jacques Rougerie cho biết, SeaOrbiter không chỉ có nhiều tính năng phục vụ cho nghiên cứu thám hiểm sâu, mà còn rất thân thiện với môi trường, vì nó hoạt động nhờ nguồn năng lượng từ mặt trời, gió và sóng biển.
Con tàu được thiết kế với cấu trúc rộng rãi và thuận tiện cho các nhà nghiên cứu sống bên trong tàu như hệ thống phòng ở, nhà bếp, phòng làm việc.
Ý tưởng thiết kế SeaOrbiter được thực hiện từ 12 năm trước. Theo Jacques Rougerie, công trình này sẽ trở thành một công cụ quan trọng phục vụ cho các khám phá đại dương và một công cụ hữu ích để nghiên cứu sự ấm lên toàn cầu và các đại dương. Dự kiến con tàu sẽ được ra mắt vào đầu năm 2014.
Nguồn: Thùy Linh (Theo Inhabitat)