Sự thật về viên kim cương mang lời nguyền của vua Pháp
Cập nhật ngày: 16/02/2016 09:34:17
Từng là báu vật trong tay vua Anh và Pháp, viên kim cương Hy vọng màu xanh đen quý hiếm có số phận chìm nổi với vô số lần sang tay đổi chủ.
Viên kim cương Hope trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ. Ảnh: Wikipedia.
Là một trong những khối đá quý nổi tiếng nhất thế giới, viên kim cương Hope (Hy vọng) được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ thuộc Viện Smithsonian ở Washington D.C từ năm 1958. Sự tồn tại của viên kim cương gắn liền với những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử.
Nhiều người tin rằng viên kim cương Hope mang lời nguyền và sẽ đem lại vận rủi cho những người nắm giữ nó. Tuy nhiên, một số ý kiến phản đối nhấn mạnh không có bằng chứng xác thực cho niềm tin trên và lời nguyền gắn với viên kim cương được dựng lên để thu hút sự chú ý.
Viên kim cương Hope có thể hình thành ở sâu dưới lòng đất, và tiến đến gần lớp đất bề mặt nhờ vụ phun trào núi lửa diễn ra cách đây hơn một tỷ năm. Khác với những viên kim cương không màu thông thường, Hope có màu xanh đen do chứa lượng lớn nguyên tố boron trong cấu trúc tinh thể. Chỉ một trong số vài trăm nghìn viên kim cương mang sắc xanh này. Hope nặng 45,52 carat và là viên kim cương màu xanh đen lớn nhất thế giới từ trước tới nay, theo Ancient Origins.
Theo một giai thoại, thương nhân người Pháp tên Jean Baptiste Tavernier đã trộm viên kim cương khi đó gắn trên tượng thần Shiva ở đền thờ Hindu giáo. Do báng bổ thần linh, Tavernier phải chịu lời nguyền giáng xuống. Ông bị sốt chỉ một thời gian ngắn sau khi ăn trộm viên kim cương và qua đời. Xác ông bị chó sói hoang cắn xé. Tuy nhiên, một báo cáo ghi nhận Tavernier đã quay về Pháp, bán viên kim cương cho nhà vua và nghỉ hưu ở Nga. Ông sống yên bình và thọ 84 tuổi.
Trong một phiên bản khác có phần hợp lý hơn, Tavernier giành được viên kim cương từ mỏ Kollur ở Golconda, Ấn Độ. Tại thời điểm đó, nó mới được cắt gọt ở dạng thô và nặng 112,2 - 115 carat. Tavernier mang kim cương Hope trở về Pháp và bán cho vua Louis XIV năm 1668 cùng với 14 viên kim cương lớn khác và một số viên nhỏ hơn. Năm 1673, Sieur Pitau, thợ kim hoàn hoàng gia, được giao cắt gọt viên kim cương. Trọng lượng của nó giảm xuống 67,1 carat. Viên kim sau đó mang tên Kim cương xanh của nhà vua hay đơn giản hơn là Màu xanh nước Pháp. Nó thuộc quyền sở hữu của hoàng gia đến trước Cách mạng Pháp và bị trộm vào năm 1792.
Viên kim cương biến mất trong một thời gian và sau đó tái xuất hiện ở London năm 1812. Vua George IV của Anh đã mua lại Hope. Nhưng một lần nữa, viên kim cương lại bị bán đi vào năm 1830 để trang trải cho khoản nợ khổng lồ mà nhà vua để lại.
Chủ sở hữu tiếp theo của viên kim cương là Henry Philip Hope. Sau nhiều lần sang tay, viên kim cương thuộc về một phụ nữ tên Evalyn Walsh McLean. Khi bà qua đời, công ty Harry Winston ở New York, Mỹ, mua lại bộ sưu tập trang sức của bà, bao gồm viên kim cương Hope và quyên tặng nó cho Viện Smithsonia năm 1958.
Phương Hoa/VNE