Bản lĩnh của người “đứng mũi chịu sào”
Cập nhật ngày: 20/02/2013 05:50:51
Năm 2012, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn chung của nền kinh tế nhưng một số doanh nghiệp của tỉnh vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2011. Đạt được kết quả này, bên cạnh những giải pháp vượt khó hiệu quả, sự lãnh, chỉ đạo của người đứng đầu doanh nghiệp cũng là yếu tố sống còn để doanh nghiệp “sống ổn”.
Chất lượng quyết định sự tồn tại và phát triển
Đó là khẳng định của ông Phạm Hữu Quá, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu (CP XNK) Sa Giang - 1 trong 50 doanh nhân tiêu biểu của tỉnh năm 2011, đồng thời cũng là doanh nhân tiêu biểu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ra đời cách đây hơn 50 năm trong bối cảnh cả nước có nhiều khó khăn, tuy nhiên với nỗ lực không ngừng của CBCNV, Công ty CP XNK Sa Giang đã từng bước vượt qua và tạo được nhịp độ phát triển ổn định. Hiện nay 70% tổng sản lượng của Công ty sản xuất hàng xuất khẩu. Các sản phẩm Bánh phồng tôm Sa Giang trở nên nổi tiếng hơn ở trong nước và đặc biệt là ở thị trường nước ngoài như: Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... Điều đáng phấn khởi là năm qua trong lần tham gia hội chợ tại Myanmar, đơn vị cũng đã ký được hợp đồng xuất khẩu bánh phồng tôm và các sản phẩm từ gạo sang thị trường này, đây là một tín hiệu khả quan cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu của Công ty.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Sa Giang, một trong những yếu tố đem đến thành công trong sản xuất kinh doanh của Công ty CP XNK Sa Giang là nỗ lực vượt khó. Ông Phạm Hữu Quá khẳng định: Điều quan trọng nhất trong lúc này là phải trụ lại được, vượt qua thử thách, nếu thấy khó khăn mà buông tay thì sau này nền kinh tế phục hồi, chúng ta sẽ không theo kịp. Trước mắt là ngưng các dự án chưa có hiệu quả tức thời và phải mạnh dạn đầu tư các dự án có hiệu quả lập tức.
Song song đó, trong môi trường đầu tư khắc nghiệt, doanh nghiệp phải chủ động đầu tư thêm máy móc, thiết bị nhằm làm tăng năng suất lao động và giảm giá thành, qua đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm với chất lượng tốt và giá cả phù hợp. Trong tất cả yếu tố, chất lượng được xem là yếu tố sống còn, quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Đối với sản phẩm đã có thương hiệu như Sa Giang thì vấn đề đặt ra hiện nay cho Công ty là làm thế nào để bảo vệ được thương hiệu. Nhận thức được tầm quan trọng đó nên trong thời gian qua, công tác bảo đảm chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được chú trọng.
Nền tảng từ sự tín nhiệm
Những tháng đầu năm 2012, giá cá tra liên tục giảm. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến người nuôi, doanh nghiệp chế biến cá tra mà còn làm cho các doanh nghiệp chế biến thức ăn lâm vào cảnh khốn đốn. Thế nhưng, với bản lĩnh và kinh nghiệm, ông Phạm Văn Bên - Chủ DNTN Cỏ May không chỉ đưa đơn vị vượt qua giai đoạn khó khăn này mà còn nằm trong tốp 5 doanh nghiệp đạt sản lượng và mức tăng trưởng cao nhất tỉnh. Năm 2012, sản lượng của đơn vị đạt gần 116.000 tấn. Điều này đã đánh dấu sự nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp, đặc biệt là người “đứng mũi chịu sào”: ông Phạm Văn Bên.
Khi được hỏi về “bí quyết” trong quá trình quản lý, điều hành, ông Phạm Văn Bên trả lời khiêm tốn: Tất cả là nhờ vào sự tín nhiệm của khách hàng. Đó là nền tảng vững chắc để để thương hiệu Cỏ May tồn tại và đứng vững trong sự cạnh tranh khắc nghiệt và những khó khăn của nền kinh tế. Ngoài ra, còn phải kể đến yếu tố con người. Ông Phạm Văn Bên cho biết, tuy tình hình có khó khăn nhưng tất cả công nhân, lao động, cán bộ quản lý của DNTN Cỏ May luôn giữ vững tinh thần, đồng hành và cùng vượt qua.
Trên cơ sở những yếu tố thuận lợi đó, DNTN Cỏ May là một trong số ít doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng sản xuất trong năm nay. Dự kiến vào cuối năm, nhà máy chế biến thức ăn thủy sản của đơn vị ở huyện Lai Vung sẽ hoàn thành với công suất 300.000 tấn/năm; cùng với đó là nhà máy bao bì ở huyện Châu Thành cũng đi vào hoạt động với công suất ban đầu khoảng 6 triệu bao/năm.
Thảo Vy