Sa Đéc: Mũi nhọn kinh tế của tỉnh

Cập nhật ngày: 12/02/2013 06:15:16

Với vị trí địa lý quan trọng và thuận lợi do nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, Sa Đéc là đầu mối giao thương hàng hóa thuận lợi cả đường thủy lẫn đường bộ. Chính vì thế, việc khai thác tiềm năng công nghiệp đang là một trong những hướng phát triển của thị xã Sa Đéc.


Để phát huy, khai thác đúng tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, Sa Đéc đã không ngừng nỗ lực để đưa công nghiệp thành thế mạnh chủ lực trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thị xã. Điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, thị xã trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020, nhằm xây dựng và phát triển Sa Đéc trở thành một trong 4 đô thị trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và là mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Tháp.

Từ việc quy hoạch phát triển công nghiệp, khai thác đúng tiềm năng về quỹ đất, Sa Đéc tạo nên diện mạo khang trang, mở ra nhiều triển vọng đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, khu công nghiệp (KCN) Sa Đéc đi vào hoạt động từ năm 1998 đã tạo không khí sôi động và nhộn nhịp cho thị xã cũng như vùng kinh tế khu vực phía Nam sông Tiền. Với vị trí thuận lợi và có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, KCN Sa Đéc đã nhanh chóng mời gọi được nhiều doanh nghiệp đến kinh doanh.

Năm 2004, KCN Sa Đéc chỉ có 14 dự án đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký là 419,644 tỷ đồng và 300 ngàn USD, đến nay khu vực này đã có 43 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 3.276 tỷ đồng và 27,86 triệu USD (tăng hơn 3 lần so với năm 2004). Trong đó, có 33 dự án đi vào hoạt động thường xuyên, giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động.

Năm 2011, sức hấp dẫn của môi trường công nghiệp Sa Đéc càng vượt bậc nhờ hệ thống cảng Tân cảng Sa Đéc mở rộng. Với tổng diện tích mặt bằng cảng hơn 4ha, cầu tàu dài gần 70m, cảng có thể tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 tấn. Cảng Sa Đéc là điểm kết nối trong chuỗi vận tải thủy từ Campuchia - ĐBSCL - TP. Hồ Chí Minh - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Chính vì vậy, cùng với Tân cảng Cao Lãnh, việc cảng Tân cảng Sa Đéc có dịch vụ vận chuyển container đã tạo ra lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp trên địa bàn về chi phí vận chuyển, giảm thời gian giao hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Qua đó, mở ra môi trường thuận lợi để mời gọi nhà đầu tư.


Đến nay, với vai trò là trung tâm của vùng, Sa Đéc ngày càng có nhiều dự án, cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp hoạt động. Giá trị sản xuất công nghiệp của thị xã hàng năm đều tăng ở mức cao. Thời điểm năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp của Sa Đéc chỉ đạt trên 1.374 tỷ đồng (tăng 26,47% so với năm 2005), thì đến năm 2011 ước đạt trên 11.618,86 tỷ đồng (cao nhất so với các địa phương trong tỉnh), tăng hơn 8 lần so với năm 2006.

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Sa Đéc cũng quan tâm bảo tồn các di tích văn hóa lịch sử và phát triển du lịch gắn với quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh, thị xã. Đặc biệt đề án phát triển làng hoa Sa Đéc theo hướng công nghiệp. Làng hoa kiểng Sa Đéc là một trong ba vùng sản xuất hoa kiểng lớn nhất ĐBSCL với diện tích sản xuất hoa kiểng đạt 343,6ha.


Nhằm từng bước phát triển “nghề truyền thống” này theo hướng bền vững, thị xã đang quy hoạch vùng sản xuất hoa kiểng theo quy mô lớn, vận động nhà vườn hình thành các điểm dừng chân, đáp ứng nhu cầu tham quan mua sắm, ăn uống, giải trí của du khách... Mục tiêu nhằm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất các giống hoa, cây cảnh nhiệt đới phục vụ trong nước và xuất khẩu. Đây sẽ là bước đệm để người trồng hoa Sa Đéc thực hiện ước vọng, hướng đến những mô hình trồng hoa công nghiệp đạt giá trị cao và vươn xa hơn trên thị trường.

Ông Phan Văn Nhiều - Chủ tịch UBND thị xã Sa Đéc cho biết, để tập trung phát triển thị xã thành đô thị văn minh, là mũi nhọn kinh tế trọng điểm của tỉnh, Sa Đéc hiện đang tiếp tục mời gọi đầu tư thực hiện nhiều công trình dự án quan trọng trên địa bàn. Đặc biệt, phát huy thế mạnh liên kết vùng giữa Sa Đéc với các địa phương Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh... Từ đó, cùng hợp tác phát triển, khai thác hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh của từng nơi, nhằm nâng cao hiệu quả phát triển và tăng tính cạnh tranh trong xu thế hội nhập...

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn