Các cụm công nghiệp góp phần phát triển công nghiệp nông thôn

Cập nhật ngày: 22/08/2012 14:17:07

Theo quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo lập quy hoạch định hướng để phục vụ kêu gọi đầu tư 31 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 1.700ha. Việc quy hoạch các CCN nhằm tạo điều kiện về mặt bằng để phục vụ phát triển công nghiệp nông thôn, sắp xếp lại sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư gây ảnh hưởng môi trường. Đặc biệt, các CCN phát triển góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn.


CCN Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành. Ảnh: Thanh Phong

Hiện toàn tỉnh có 17 CCN được quy hoạch chi tiết với tổng diện tích khoảng 800ha. Trong đó, 14 CCN đã triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng gần 350 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 436 tỷ đồng (bồi thường, giải phóng mặt bằng 278 tỷ đồng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật 158 tỷ đồng). Cụ thể, ngân sách Trung ương (Chương trình khuyến công quốc gia năm 2010) hỗ trợ 2,1 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đầu tư 18 tỷ đồng, phần còn lại do các địa phương và nhà đầu tư hạ tầng đóng góp.

Hiện nay, phần lớn các CCN được triển khai trên những khu vực dân cư thưa thớt nên số hộ phải di dời ít, được bố trí tái định cư tại các khu dân cư lân cận. Chỉ có 3 CCN bố trí tái định cư riêng cho CCN (CCN An Nhơn, Vàm Cống, Bắc sông Xáng). Hiện tại, có khoảng 16 ngàn công nhân làm việc trong các CCN trên địa bàn tỉnh, nhưng phần lớn là người tại địa phương nên không có nhu cầu ở trọ, số còn lại thuê nhà trọ của các hộ dân xây dựng xung quanh các CCN. Hiện nhà trọ do các hộ dân tự xây khá nhiều đã đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân. Đến nay, Công ty CP Thủy sản An Phú đã xây nhà ở trong CCN cho khoảng 300 công nhân và cán bộ kỹ thuật của Công ty.

Các CCN trong tỉnh hiện đã có 63 dự án đầu tư (19 dự án đã đưa vào hoạt động, 10 dự án đang xây dựng và 34 dự án chuẩn bị đầu tư). Tỷ lệ lấp đầy các CCN đã triển khai đạt khoảng 82% (trong đó có 9 CCN tỷ lệ lấp đầy 100%, các cụm còn lại có tỷ lệ lấp đầy hơn 60%). Phần lớn các dự án sản xuất thuộc ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản. Diện tích còn lại các địa phương đã tích cực phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư kêu gọi đầu tư.

Trong công tác bảo vệ môi trường, có 3 CCN đã triển khai xử lý nước thải tập trung. Các CCN còn lại tuy chưa có khu xử lý nước thải tập trung, nhưng từng nhà máy trong CCN đã có khu xử lý nước thải riêng cho toàn nhà máy, đạt tiêu chuẩn A trước khi thải ra nguồn nước bên ngoài. Trong 14 CCN đã được triển khai, có 6 cụm do doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trọn gói và trực tiếp quản lý các hoạt động trong CCN. UBND cấp huyện tham gia đầu tư hạ tầng 8 CCN.

Việc hình thành các CCN đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ để phát triển sản xuất. Sự phát triển công nghiệp chế biến là điều kiện, cơ sở để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, góp phần tích cực cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, đạt hiệu quả cao.

Sản xuất công nghiệp phát triển nhanh, ổn định góp phần quan trọng cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu GDP và đẩy manh tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh. Việc hình thành các CCN đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương có thu nhập ổn định. Hiện một số doanh nghiệp đã tích cực phối hợp với địa phương chuẩn bị mặt bằng để xây dựng nhà ở cho công nhân trong các CCN.

Theo kế hoạch phát triển CCN tỉnh đến năm 2015, sẽ tiến hành hoàn thiện hạ tầng 3 CCN (130ha), dự kiến vốn đầu tư 111 tỷ đồng. Đầu tư mở rộng 8 CCN (164ha), dự kiến vốn đầu tư 139 tỷ đồng. Đầu tư mới 12 CCN (531ha), dự kiến vốn đầu tư khoảng 452 tỷ đồng. Các CCN này đã lập quy hoạch định hướng để phục vụ kêu gọi đầu tư.

H.Trần

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn