Công nghệ sau thu hoạch
Vai trò của doanh nghiệp đối với nông dân
Cập nhật ngày: 06/06/2012 07:11:10
Tại hội thảo những giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Chí Bửu - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam đã có bài tham luận: “Công nghệ sau thu hoạch - Vai trò của doanh nghiệp đối với nông dân”.
Nội dung bài tham luận nêu: Sau hơn 25 năm đổi mới, thắng lợi rõ rệt nhất của nông nghiệp Việt Nam là tạo ra và duy trì một quá trình sản xuất tăng trưởng với tốc độ nhanh, ổn định trong một thời gian dài. Đó là đặc điểm quan trọng cho một nước đang ở trình độ phát triển thấp, chủ yếu dựa vào kinh tế nông nghiệp, bắt đầu chuyển sang công nghiệp hóa.
Đầu tư công nghệ sau thu hoạch để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản
Chính tăng trưởng đều và ổn định đã góp phần cho quá trình xóa đói, giảm nghèo rất thành công ở nước ta. Hiện nay, nhờ ứng dụng thành tựu khoa học, năng suất các loại nông sản tăng gấp nhiều lần so với năm 1986; xuất khẩu hạt điều nhân, hồ tiêu đứng nhất thế giới, xuất khẩu gạo, cà phê đứng nhì thế giới, nhiều mặt hàng như thanh long, cá tra, cá ba sa, tôm, cao su, chè chiếm lĩnh thị trường thế giới. Kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 25 tỷ USD (năm 2011).
Với kết quả trên, nông nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ luôn làm vai trò chỗ dựa nền tảng cho công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, công nghiệp hiện vẫn chưa trở thành đầu tàu kéo nông nghiệp đi lên như qui luật chung của nền kinh tế lành mạnh, chưa cung cấp đủ máy móc thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y cho nông nghiệp với nhu cầu ngày càng cao. Dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp chưa tương xứng với yêu cầu mới. Tín dụng phục vụ nông dân nghèo còn nhiều bất cập. Trái lại nông dân đang phải gồng mình khắc phục những hậu quả về môi trường do chất thải công nghiệp. Nhiều vùng không thể xây dựng mô hình VietGAP, Global GAP vì nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt để tưới đều bị nhiễm kim loại nặng, vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 8 vùng kinh tế quan trọng, chiếm 12% diện tích đất tự nhiên, 32% diện tích đất nông nghiệp cả nước, sản xuất lương thực, thực phẩm, trái cây nhiệt đới, vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước. Trong 20 năm đổi mới, sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản phát triển đáng kể, đóng góp quan trọng vào mục tiêu an toàn lương thực và xuất khẩu gạo của cả nước.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL chưa đạt như mong muốn do chưa có giải pháp đúng về thị trường nông sản. Công nghệ sau thu hoạch rất yếu kém, chưa được đầu tư đúng mức. Thất thoát sau thu hoạch trên 2 triệu tấn lúa/năm. Công nghệ chế biến nông sản để đáp ứng với yêu cầu giá trị gia tăng còn rất thấp so với các nước trong khu vực.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đầu tư vào đường sá nông thôn có thể đem lại mức lãi gấp 3 lần từ sản xuất nông nghiệp, đồng thời có tác dụng rõ rệt cho công tác xóa đói giảm nghèo. Nếu cơ sở hạ tầng như bến cảng, kho bãi, chợ đầu mối, giao thông nông thôn, điện... không phát triển nhanh để hỗ trợ tích cực cho nông nghiệp, nông thôn, ĐBSCL sẽ rất khó có thể phát huy tiềm năng lợi thế.
Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX cụ thể hóa nội dung công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn: “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn là phải gắn với công nghiệp chế biến và thị trường”.
Hiện nay, trồng trọt là ngành sản xuất chính trong nông nghiệp ĐBSCL. Vì vậy thất thoát sau thu hoạch của ngành trồng trọt cần được đầu tư trước mắt, có tính cấp thiết nhất.
Trước tiên, việc đầu tư nghiên cứu cho khoa học công nghệ sau thu hoạch phải do ngân sách Nhà nước và đơn đặt hàng của doanh nghiệp, để có những “ngân hàng kiến thức” đáp ứng được yêu cầu cấp bách hiện nay (khâu phơi sấy, bảo quản, chế biến). Kế đến, việc triển khai trên qui mô rộng (từ điểm đến diện) phải có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, xem đó như đạo lý đối với nông dân, những người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chặng đường đầu tiên đổi mới đất nước, làm cơ sở để công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng; hiện những người nông dân này đang có mức thu nhập cực kỳ thấp và đang hứng chịu nhiều rủi ro từ ngoài đồng đến trong nhà, sân phơi, kho vựa, thị trường. Kinh nghiệm của Malaysia, Nhật Bản cho thấy: Nếu không có những “elevators” (hệ thống băng chuyền) được đầu tư hiện đại, thì thất thoát sau thu hoạch của họ cũng giống như Việt Nam hiện nay. Họ có chính sách của Nhà nước cho vay với lãi suất ưu đãi, nguồn vốn vay dài hạn và doanh nghiệp của họ được hình thành từ việc làm ăn hợp tác với nhau để bảo vệ quyền lợi của nông dân.
Hiện nay, nông sản có phẩm chất ngon được trồng rãi rác theo kiểu kinh tế hộ, không biểu thị rõ vùng chuyên canh để có sản phẩm hàng hóa đủ sức cạnh tranh cả về “lượng” và “chất”. Việt Nam phải xác định kế hoạch lâu dài cho cho chương trình cải tiến phẩm chất vốn rất đa dạng của nhiều thị trường khác nhau. Khả năng cạnh tranh của nông sản nước ta còn thấp, không chỉ do chất lượng giống mà còn do trình độ quản lý kém. Trong đó, công nghệ sau thu hoạch đang được đầu tư rất thấp. Vì vậy đã đến lúc công nghiệp phải trở thành đầu tàu kéo nông nghiệp đi lên như qui luật chung của các nền kinh tế lành mạnh, với nhu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực sau thu hoạch và chế biến nông sản.
Anh Quân
(Lược ghi)