Hướng đến nền nông nghiệp bền vững
Cập nhật ngày: 04/06/2012 08:31:15
Hiện Đồng Tháp là vựa lúa lớn thứ 3 trong nước với diện tích gieo trồng 501.437ha, sản lượng trên 3 triệu tấn. Ngoài cây lúa, tỉnh còn có trên 38.000ha hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Nhiều hoa màu ven sông Tiền, sông Hậu đang được xây dựng thành vùng chuyên canh, cung cấp nông sản phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu.
Nuôi cá lóc bãi bồi ven sông Tiền
Làng hoa kiểng SaĐéc, một trong những làng hoa kiểng lớn nhất nước với gần 300ha, cung cấp trên 12 triệu sản phẩm hoa và kiểng mỗi năm cho thị trường trong và ngoài nước, góp phần đáng kể trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Làng hoa đang được đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng, bảo tồn và phát triển các loài hoa kiểng bản địa đặc thù, ứng dụng công nghệ sinh học lai tạo giống mới, đưa nghề trồng hoa kiểng trở thành nghề sản xuất tiềm năng và phát triển thành một trong những điểm du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh.
Trái cây Đồng Tháp cũng nổi tiếng trong vùng với xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành, bưởi Phong Hòa (trái quanh năm),... đang mang lại giá trị kinh tế cao cho nhà vườn. Trong tổng số trên 23.000ha cây ăn trái cho sản lượng hơn 150.000 tấn/năm, đã có không ít những vườn cây kiểu mẫu được sản xuất theo hướng chuyên canh, sản phẩm đạt chất lượng và độ đồng đều cao để tiến tới xây dựng thương hiệu, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Với lợi thế về sông nước, thủy sản được coi là thế mạnh thứ hai sau cây lúa. Nghề nuôi thủy sản của tỉnh đã phát triển rộng khắp trên địa bàn, trong đó chủ lực là cá tra, tôm càng xanh. Diện tích nuôi thủy sản đã đạt 7.492ha, nông dân tập trung nuôi tôm trên ruộng lúa, nuôi cá bãi bồi ven sông Tiền, sông Hậu. Hàng năm cung cấp cho chế biến xuất khẩu trên 307.960 tấn cá và hàng ngàn tấn tôm càng xanh với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt hàng trăm triệu USD.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, gắn với đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng thâm canh, chuyên canh, ứng dụng công nghệ sinh học, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao trên qui mô tập trung và từng bước tiến hành tiêu chuẩn hóa hệ thống nuôi trồng, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của thị trường, đạt hiệu quả sản xuất ổn định. Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo các tiêu chí nông thôn mới. Phấn đấu năm 2015, có 30 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, các xã còn lại đạt ít nhất 50% tiêu chí theo qui định của Chính phủ, năm 2020 có 60 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Khuyến khích góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để thành lập HTX, trang trại, doanh nghiệp nông thôn. Mỗi huyện có ít nhất một mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại vào năm 2015 mà nhân rộng cho những năm tiếp theo.
T.N