Gặp gỡ những nông dân xuất ngoại

Cập nhật ngày: 11/02/2013 18:43:48

Trong tháng 9 năm 2012, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức đoàn cán bộ tham quan các mô hình sản xuất tại Thái Lan. Trong chuyến đi này, một số nông dân điển hình trong các mô hình sản xuất của tỉnh được mời tham gia để học hỏi trao đổi kinh nghiệm. Dưới đây là ý kiến của các nông dân sau chuyến xuất ngoại.

Anh Huỳnh Thanh Bá, xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh)


Anh cho biết, sau khi tham quan các mô hình dây chuyền sản xuất lúa, gạo; vườn nhãn ở huyện Pongnamrhon, anh thấy khác biệt là tính làm ăn tập thể và thực hiện các biện pháp kỹ thuật đồng loạt theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã. Bình quân mỗi hộ trồng 10ha nhãn, cứ 100 hộ thành lập một nhóm xử lý ra hoa đồng loạt để thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 1. Những tháng còn lại đến lượt các tỉnh khác để tránh dội chợ, rớt giá.

Về cây xoài, giống xoài của Thái ngon, vỏ dày tiện việc vận chuyển, xuất khẩu. Họ tổ chức các Hợp tác xã có 50 xã viên, diện tích của 1 hộ ít nhất có 6 ha vườn. Nhà nước ứng trước tiền đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao trái không tính lãi, sau khi bán xoài sẻ trừ lại. Đầu năm có công ty xuất khẩu bao tiêu, thông báo một giá cho cả năm, việc tưới xoài do Bộ Nông Nghiệp Thái Lan quyết định, quy định từng vùng tưới để rải vụ cả năm đủ sản lượng xuất khẩu.

Qua tìm hiểu anh cho rằng, cơ chế chính sách chung và cơ chế chính sách cho người trồng xoài ở Thái Lan tốt hơn ở Đồng Tháp, họ thực hiện sự liên kết tốt hơn ở Việt Nam. Các gia đình trồng xoài đều có xe ô tô bán tải để chuyên chở thẳng ra chợ đầu mối. Ở đây sản phẩm của các nhà vườn đều được thử dư lượng thuốc trừ sâu, nếu nhà vườn nào vi phạm lần thứ 2 cảnh cáo, đến lần thứ 3 thì cấm vô chợ, vì vậy người dân rất có ý thức.

Anh Tống Văn Phong, ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới (Lai Vung)


Với mô hình trồng quýt đường, anh Tống Văn Phong được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương năm 2011. Tham quan các mô hình sản xuất tại Thái Lan, anh cảm nhận trình độ canh tác của nông dân Thái Lan không hơn nông dân Việt Nam, nhưng cơ sở vật chất của họ hiện đại hơn. Trang trại nuôi heo có chính sách khép kín từ con giống cho đến người nuôi, tiêu thụ.

Trong tổ chức sản xuất như nhãn, lúa, họ đưa ra cùng một loại thuốc và cùng phun xịt đồng loạt trong cùng một dự án và có sự phân công rải vụ nên có thu hoạch bán và xuất khẩu quanh năm. Người dân nắm rất chắc ý thức sản xuất an toàn, sạch bệnh.

Tham quan chợ đầu mối nông sản của họ, anh cho rằng các trung tâm ở Việt Nam hay Thái Lan cũng đều là trung chuyển hàng hóa, nhưng ở Thái Lan đưa kiểm định chất lượng hàng hóa vào chợ đầu mối, nên người dân có trách nhiệm hơn với hàng hóa của mình.

Ông Ngô Khuê, ấp Tân Phú, xã Tân Bình (Thanh Bình)


Là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, chuyên làm giống lúa, qua chuyến tham quan Thái Lan về sản xuất lúa, gạo, ông Khuê cho rằng gạo Thái Lan tốt hơn gạo Việt Nam bên cạnh các yếu tố khác, có một yếu tố là họ không sử dụng trung gian trong thu mua.

Ở Việt Nam, thương lái thu mua lúa tại ruộng. Họ đổ chung các loại lúa, thời gian thu mua lâu hơn, nên khi hạt lúa về đến kho giảm chất lượng. Trong khi đó lúa ở Thái Lan do người sản xuất tự bảo quản, có thể gởi kho nhà nước, vì lúa nguyên liệu tốt nên nhà máy chế biến tốt. Cách canh tác cũng như Việt Nam, tuy nhiên diện tích trồng lúa của Thái Lan gấp 3 lần Việt Nam, dân số lại ít hơn nên người sở hữu diện tích trồng lúa lớn hơn.

Đồng ruộng Thái cũng rải vụ như Việt Nam, quy trình sản xuất cũng giống như Việt nam, nhưng công tác quản lý vĩ mô tốt hơn, thống nhất giá xuất khẩu, có xử phạt các doanh nghiệp khi thu mua lúa dưới giá sàn quy định, vai trò mua lúa tạm trữ do Nhà nước thực hiện, khi giá cao thì khuyến khích nông dân bán...

Sau khi tham quan, ông cho rằng cần nâng cao hơn vai trò quản lý của chính quyền, nhà nước mua tạm trữ giúp cho nông dân (chứ không phải doanh nghiệp) và nâng vai trò người cầm trịch trong sản xuất.

Duy Tân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn