Khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn chủ động thu mua lúa, gạo tạm trữ
Cập nhật ngày: 14/06/2013 06:23:39
Kể từ ngày 15/6, các doanh nghiệp triển khai thực hiện mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ hè thu năm 2013 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Khảo sát nhanh của phóng viên Báo Đồng Tháp cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng thu mua lúa, gạo cho người dân theo kế hoạch.
Người dân kỳ vọng sau ngày 15/6, giá lúa sẽ nhích lên
Theo các doanh nghiệp, khó khăn hiện nay vẫn là lượng tồn kho còn khá lớn, nên nếu mua tạm trữ vụ hè thu doanh nghiệp phải xuất bán lượng gạo này với giá thấp hơn đầu vào vụ đông xuân từ 400 - 500 đồng/kg. Dù vậy doanh nghiệp vẫn tìm đầu mối và cân đối thời điểm xuất bán...
Ông Phạm Văn Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Docimexco cho biết: Hiện nay, Công ty chưa nhận được chỉ tiêu thu mua tạm trữ do Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) giao nhưng Công ty đã chủ động chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vốn, mạng lưới, phương tiện vận chuyển, xác định địa chỉ để thu mua. Tuy nhiên, do giá lúa, gạo liên tục giảm từ sau thời gian tạm trữ vụ đông xuân đến nay, nên lượng gạo tồn kho của Công ty Cổ phần Docimexco còn đến hơn 30.000 tấn chưa xuất được, Công ty đang gặp khó về hệ thống kho chứa và vốn thu mua tạm trữ.
Trong vụ hè thu này, Công ty đăng ký với VFA thu mua 15.000 tấn lúa và gạo tạm trữ. Hiện nay, bên cạnh việc chuẩn bị thu mua tạm trữ vụ hè thu, Công ty vẫn tìm đầu mối và thời điểm thích hợp để xuất lượng hàng tồn kho này.
Đại diện một công ty thu mua lúa gạo trên địa bàn tỉnh cho biết, công ty cũng chuẩn bị kho bãi, phương tiện vận chuyển, liên hệ, xác định địa chỉ để thu mua. Tuy chưa được VFA giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ, nhưng ngay từ đầu vụ công ty đã chủ động triển khai thu mua trên 10.000 tấn lúa. Khó khăn là hiện nay công ty cũng đang bị tồn kho trên 40.000 tấn lúa vụ đông xuân. Nếu xuất bán lượng tồn kho trong thời điểm này sẽ bị lỗ từ 400-500 đồng/kg, nhưng công ty vẫn phải tìm đầu mối xuất bán vì hiện nay các kho chứa đều chật kín không còn chỗ chứa cho lượng tạm trữ vụ hè thu.
Theo đại diện doanh nghiệp này, nếu Chính phủ giao chỉ tiêu mua tạm trữ vụ hè thu năm nay thì nên tăng thời gian hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, để khi thu mua tạm trữ theo chỉ tiêu được giao, doanh nghiệp vừa hỗ trợ tăng giá lúa, kích cầu thị trường lúa gạo, bên cạnh đó doanh nghiệp cũng giảm bớt khó khăn.
Theo ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp: Do sự "nhùng nhằng" trong việc bàn thảo quy chế thu mua tạm trữ, nên đến thời điểm này nông dân Đồng Tháp đã thu hoạch gần hết lúa nhưng vẫn chưa được hỗ trợ từ chính sách thu mua tạm trữ. Việc Chính phủ giao cho VFA phối hợp với các tỉnh phân chỉ tiêu cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ vụ hè thu đã thể hiện được sự gắn kết bước đầu với địa phương. Tuy nhiên, cũng như các doanh nghiệp trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp thu mua lúa gạo trên địa bàn tỉnh vẫn là lượng lúa gạo tồn kho rất lớn, trong khi theo quy định bắt đầu từ ngày 15/6 doanh nghiệp phải thu mua lúa, gạo để kích thích giá lúa tăng lên hỗ trợ cho người dân.
Do đó, trước mắt nếu Chính phủ giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ cho doanh nghiệp thì nên hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp này để giảm áp lực khó khăn cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo. "Về lâu dài để hạn chế áp lực lúa gạo tồn kho cho doanh nghiệp, Hiệp hội lương thực cần tìm đầu mối xuất khẩu lớn thì mới mong doanh nghiệp giảm bớt áp lực đầu ra" - ông Sa nói.
Mỹ Nhân