Máy ngoại trên... cánh đồng nội!
Cập nhật ngày: 07/11/2012 04:58:50
Thị trường máy nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - cụ thể là máy làm đất và máy gặt đập liên hợp (MGĐLH) - hiện có 2 nguồn chính: Máy ngoại nhập (chủ yếu từ Trung Quốc, Nhật Bản) và máy made in Việt Nam.
Nhưng có thể thấy các loại máy ngoại nhập đang chiếm ưu thế; trong đó máy sản xuất tại Nhật Bản được nhiều nông dân vùng ĐBSCL ưa chuộng dù giá cao hơn hẳn so với máy sản xuất trong nước và máy nhập từ Trung Quốc. Đối với MGĐLH, tuy giá cao gấp khoảng 2 lần máy Trung Quốc và Việt Nam, song máy do Nhật Bản sản xuất có tính năng vượt trội và độ bền cao hơn. Vì vậy, dù mua MGĐLH của Nhật Bản không được hỗ trợ lãi suất theo chính sách ưu đãi, nhưng không ít nông dân vẫn chọn MGĐLH của Nhật. Tuy nhiên, dù ưa chuộng, nhưng không phải nông dân nào cũng không có khả năng tài chính mua MGĐLH do Nhật Bản sản xuất. Vì vậy, thị trường máy nông nghiệp nói chung, MGĐLH nói riêng, sản phẩm của Việt Nam và Trung Quốc vẫn có thị phần nhờ yếu tố giá cả (rẻ hơn khá nhiều).
Thế nhưng, ở thị phần máy giá rẻ (so với máy Nhật Bản sản xuất), máy do Việt Nam sản xuất lại không thể cạnh tranh với máy từ các “lò” Trung Quốc nhập vào. Theo TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL - MGĐLH sản xuất tại Việt Nam tuy có một số tính năng sát hợp với đồng ruộng trong nước, song giá thành lại cao hơn so với máy nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc. Nguyên nhân, do máy lắp ráp tại Việt Nam phải “cõng” nhiều loại thuế (lên đến 20 - 30%), trong khi máy nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc thuế chỉ 5%. Như vậy, ở thị trường nội địa, máy nông nghiệp nói chung, MGĐLH nói riêng, sản phẩm của Việt Nam lép vế về chất lượng so với sản phẩm của Nhật Bản, về giá cả so với sản phẩm nhập từ Trung Quốc.
Không chỉ vậy, các loại máy nông nghiệp nói chung, MGĐLH nói riêng made in Việt Nam, thực chất chỉ mới dừng lại ở dạng lắp ráp, đóng thùng..., còn hầu hết các bộ phận chủ yếu (máy móc, hộp số...) đều là hàng nhập khẩu. Lâu nay, việc sản xuất máy nông nghiệp trong nước chỉ do các xưởng cơ khí của tư nhân, số ít doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện. Các cơ sở sản xuất này hầu hết không có tiềm lực về vốn, việc đầu tư cải tiến kỹ thuật còn hạn chế, vì vậy sản phẩm xuất xưởng khó cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập.
Có thể thấy, ngành cơ khí nông nghiệp trong nước nếu không được hỗ trợ về chính sách phát triển thì không thể có những doanh nghiệp có tiềm lực đủ mạnh để sản xuất các sản phẩm máy nông nghiệp có thể cạnh tranh về chất lượng và giá cả với sản phẩm ngoại nhập cùng loại. Nói cách khác, nếu không có giải pháp sát hợp để cải thiện tình hình, máy nông nghiệp sản xuất trong nước còn tiếp tục lép vế ngay trên “sân nhà”...
Lê Như Giang